Chậm thay đổi
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2019 có khoảng 4,3 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, tăng 15,1% so với cung kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 1,8 triệu lượt, khách nội địa xấp xỉ 2,5 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 14.978 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Dù vậy, du lịch Đà Nẵng cũng đang đối diện nhiều thách thức, đó không chỉ là an toàn an ninh, môi trường xuống cấp hay sự sụt giảm của các dòng khách truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc… mà còn thể hiện ở sản phẩm dịch vụ ít có sự mới mẻ.
Ông Trần Hoài Phương - du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, gần 5 năm nay, hầu như năm nào ông cũng đến Đà Nẵng, lúc thì đi công tác, lúc đi cùng gia đình. Phần lớn thời gian ông chủ yếu đưa người thân tham quan một số điểm trong TP Bảo tàng Chăm, Ngũ Hành Sơn, tắm biển rồi quay về.
“Muốn đưa gia đình lên Bà Nà ở lại nhưng giá phòng quá đắt, các dịch vụ khác dù có thay đổi nhưng ít hợp với những người lớn tuổi như tôi nên cũng chỉ lên một lần cho biết rồi về. Tôi nghĩ Đà Nẵng nên phát triển nhiều hơn các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa cho khách lựa chọn”, ông Phương chia sẻ.
Khảo sát cho thấy, không ít người chọn Đà Nẵng du lịch bởi nơi đây thuận tiện giao thông như sân bay, tàu lửa, bến cảng…, đặc biệt dễ dàng kết nối với các di sản văn hóa thế giới ở 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Dù tâm lý chung của du khách chính là sự mới lạ, nhưng suốt nhiều năm qua các tour du lịch tại Đà Nẵng hầu như ít có sự thay đổi.
Ông Nguyễn Như Nam - Giám đốc Công ty lữ hành Vietnam Travelmart tại Đà Nẵng nhìn nhận: “Không chỉ doanh nghiệp chúng tôi mà nhiều công ty lữ hành khác đều phải luôn suy nghĩ để làm mới các tour tuyến, kết nối điểm đến nhằm tạo sự hấp dẫn cho khách”.
Bên cạnh mở rộng không gian tour tuyến đến các địa phương lân cận như Huế, Hội An, Vietnam Travelmart cũng đã xây dựng các tour du lịch giải trí kết hợp trải nghiệm văn hóa như đưa khách tham dự các chương trình nghệ thuật tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tham quan đình Túy Loan...
“Khách đến Đà Nẵng luôn có sự phân khúc rõ nét với mỗi dòng sản phẩm cụ thể như trải nghiệm văn hóa, sinh thái…, nhất là với những người lớn tuổi và khách phương Tây. Trong khi đó, Đà Nẵng lại quá chú trọng vào du lịch giải trí. Do đó, việc đa dạng sản phẩm dịch vụ là vấn đề cần thiết mà ngành du lịch Đà Nẵng nên làm hiện nay”, ông Nam phân tích.
Thúc đẩy du lịch sinh thái, cộng đồng
Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các địa phương miền Trung, đa dạng hóa sản phẩm được xem là yếu tố sống còn của du lịch Đà Nẵng. Thực tế, thời gian gần đây, sản phẩm du lịch Đà Nẵng đang có những sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là các sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch dựa vào cộng đồng. Trong đó, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang được xác định là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch này. Nổi bật là cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực của đồng bào người Cơ Tu còn được giữ gìn tương đối, đây sẽ là điểm đến thu hút dành cho du khách thích khám phá, trải nghiệm văn hóa vùng đất mới.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng khẳng định, phát triển du lịch văn hóa sinh thái, cộng đồng đang được ngành du lịch phối hợp với các địa phương triển khai nhằm thu hút dòng khách châu Âu, hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ dòng khách này lên khoảng 13% trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến tham quan Đà Nẵng trong năm 2019.
Hiện tại, có thể kể đến Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái (quận Sơn Trà). Sau khi hoàn thiện sẽ giúp du khách được trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc trưng miền biển thông qua các hoạt động của đời sống ngư dân như đan lưới, khai thác hải sản…
“Việc triển khai đề án ngoài hiện thực hóa ý tưởng phát triển du lịch làng nghề kết hợp trải nghiệm văn hóa, sinh thái mà còn giúp tạo sinh kế cho người dân, bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến sự phát triển bền vững”, ông Bình nói.