Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản phẩm du lịch hưởng ứng cùng SEA Games 31

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian qua, Hà Nội đã kích hoạt hàng loạt sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường giúp du khách có nhiều trải nghiệm gần gũi, mới lạ. Du lịch xanh cũng được xem là xu hướng TP Hà Nội hướng tới để phục hồi, phát triển ngành “công nghiệp không khói” một cách bền vững.

Chào mừng Năm du lịch quốc gia 2022 và SEA Games 31, Công ty CP Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) khởi động lại sản phẩm “Du lịch xanh trong thành phố xanh với phương tiện giao thông sạch”.

Với sản phẩm này, du khách được trải nghiệm 3 tour khám phá tuyến số 1, du khách sẽ khám phá phố cổ với chặng đường dài 7km, thời gian tham quan từ 35 - 40 phút, đi qua 28 tuyến phố thương mại, phố nghề, phố ẩm thực và 121 di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cách mạng, 859 công trình kiến trúc có giá trị của Hà Nội 36 phố phường.

Đại biểu tham dự SEA Games 31 tham quan phố cổ bằng xe điện. Ảnh: Hoàng Lân
Đại biểu tham dự SEA Games 31 tham quan phố cổ bằng xe điện. Ảnh: Hoàng Lân

Tuyến du lịch số 2 và số 3 giới thiệu với du khách các công trình văn hóa, kiến trúc “khu phố Pháp” và các địa danh lịch sử, các danh thắng nổi tiếng của Thủ đô nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Lộ trình hai tuyến dài tương đương tuyến thứ nhất, gần 7km, thời gian tham quan là 40 phút.

Bên cạnh những tuyến du lịch truyền thống, Công ty CP Đồng Xuân đã nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm tour du lịch kết hợp các yếu tố: Giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ, phố cũ và kêu gọi bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, với các sản phẩm du lịch như: Tour tham quan tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng phố cổ Hà Nội; tham quan khu phố cổ và các nhà nghề, phố nghề; tham quan, tìm hiểu, thưởng thức văn hóa ẩm thực.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết: Sản phẩm du lịch bằng xe điện đã được quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, loại hình du lịch này cũng gặp nhiều khó khăn, có thời gian tạm dừng hoạt động, nhân lực suy giảm. Việc khôi phục lại loại hình du lịch này là xu hướng tất yếu trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch xanh.

Không chỉ có sản phẩm du lịch bằng xe điện, gần đây, các đơn vị kinh doanh du lịch Hà Nội ra mắt nhiều sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường đa dạng, hấp dẫn khác. Điển hình trong dịp diễn ra SEA Games 31, các sản phẩm du lịch đạp xe cũng được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu trong danh sách 28 tour du lịch tiêu biểu của Thủ đô như: Tour xe đạp khám phá Cổ Loa (huyện Đông Anh), Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn”… Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành cũng tổ chức, xây dựng tour đi bộ khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ, du lịch bằng xe đạp giúp du khách có trải nghiệm mới mẻ các cung đường, cải thiện sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm thân thiện, kết nối các điểm nội thành và ngoại thành.

Bên cạnh việc mở rộng nhiều hình thức du lịch xanh, bàn giải pháp để phát triển du lịch xanh bền vững, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cho rằng, các CLB du lịch cần có sự chia sẻ, liên kết cùng nhau bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn như khuyến khích các đơn vị lữ hành hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa; tư vấn cho khách không mang túi nhựa, chai lọ nhựa trong hành trình du lịch. Còn theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Hà Văn Siêu, để phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, xã hội, các địa phương cần nêu cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư.

Tại Hà Nội, việc phát triển du lịch xanh luôn nằm trong chiến lược phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về du lịch cộng đồng, ứng xử văn minh du lịch ở các quận, huyện, thị xã.

Sở Du lịch cũng yêu cầu các đơn vị lữ hành, điểm đến cần lưu ý đến những yếu tố môi trường, bảo đảm an toàn sức khỏe, phát triển bền vững trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch.