Sản phẩm làng nghề dư nguồn cung, không sốt giá dịp Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với sự tất bật, hối hả như mọi năm, thời điểm này, các làng nghề sản xuất miến dong, bánh đa nem - những sản phẩm tiêu thụ chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán hoạt động khá bình thường.

Bởi theo các hộ sản xuất, thời tiết những tháng cuối năm nắng đẹp, lượng hàng làm ra nhiều, thương lái đã thu mua đủ hàng nên lượng cầu hiện không lớn.

 Nguồn cung dồi dào

Những ngày này, dọc tuyến đường đê dẫn vào trung tâm xã và trên cánh đồng Đầm, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, nơi có sản phẩm miến So nức tiếng, vẫn có nhiều người mải miết phơi những phên bánh đa mỏng tang hay những dải miến dong sợi nhỏ li ti, nhưng không khí không tấp nập như năm trước. Chị Lệ, chủ cơ sở sản xuất miến dong ở thôn Thị Ngoại, xã Tân Hòa cho biết, từ khoảng tháng 10 - 12 Âm lịch nắng nhiều, việc phơi miến thuận lợi nên các hộ đều tăng công suất. Theo đó, các thương lái cũng thu gom khá nhiều hàng để cho thị trường Tết. Bởi vậy, thời điểm này, nhiều mối buôn đã không lấy hàng, nên hoạt động sản xuất cũng trầm lắng hơn.

Không riêng gì chị Lệ, một số cơ sở sản xuất miến dong ở Tân Hòa đã dừng khâu tráng bánh, tập trung vào ren miến sợi và bán nốt chỗ hàng còn lại. Ông Vương Sỹ Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, toàn xã hiện có trên 40 hộ sản xuất miến dong, cao hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Số hộ sản xuất tăng, đầu ra chậm nên thời gian này công suất hoạt động của các cơ sở trong xã đều chững lại. Trước đây, mỗi hộ cứ 2 ngày cho ra một mẻ miến nhưng nay phải tới 3 - 4 ngày. Đáng nói là giá miến năm nay thấp hơn so với năm ngoái. Hiện, giá miến khô chỉ còn 20.000 đồng/kg bán buôn và 23.000 - 25.000 đồng/kg bán lẻ. Trong khi thời điểm này năm ngoái có giá 35.000 - 38.000 đồng/kg.

 
Phơi miến dong ở xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai. 	Ảnh: Quang Thiện
Phơi miến dong ở xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai. Ảnh: Quang Thiện

Không quá trầm lắng, song sản xuất tại làng nghề bánh đa nem Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức cũng bắt đầu chững nhịp trong thời gian gần đây. Anh Mầu Văn Khuyến, chủ một hộ sản xuất bánh đa nem ở thôn Ngự Câu tâm sự, năm nay nắng nhiều, sản lượng bánh đa nem của làng nghề tăng từ khoảng tháng 10 Âm lịch nên dịp cuối năm không còn cảnh "tăng ca" như trước nữa. Trong khi đó, theo thống kê, toàn thôn Ngự Câu hiện có trên 50 chiếc máy tráng bánh đa nem, tăng khoảng 20 chiếc so với năm ngoái. Và giống như miến dong, năm nay bánh đa nem cũng trượt giá nhẹ. Hiện giá bánh khoảng 10.000 đồng/thếp 90 chiếc bánh, trong khi năm ngoái 13.000 - 14.000 đồng/thếp.

Tập trung nâng cao chất lượng

Mặc dù giá bán thấp hơn năm ngoái nhưng đầu ra của các sản phẩm miến dong, bánh đa nem vẫn ổn định với nhiều thị trường mới được thiết lập và người sản xuất vẫn đảm bảo có lãi. Ông Đào Văn Khánh - Trưởng thôn Ngự Câu cho biết, những năm trước, trừ chi phí mỗi hộ sản xuất thu được 1,5 - 2 triệu đồng/ngày trong dịp Tết thì năm nay cũng thu được khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Hơn nữa các hộ sản xuất thường kết hợp với chăn nuôi 10 - 20 con lợn/lứa nên thu nhập khá ổn định. Theo ông Khánh, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm được các hộ dân quan tâm hàng đầu nên hầu như không còn hàng tồn. Ngoài thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, sản phẩm bánh đa nem Ngự Câu còn được xuất đi nhiều tỉnh, TP khu vực phía Nam.

Tương tự, đối với miến dong, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng của thị trường tập trung vào mặt hàng miến mộc, tức là miến dong nguyên chất có màu trắng đục, không sử dụng hóa chất, thuốc nhuộm. Do đó, năm nay, hầu hết số hộ làm miến tại xã Tân Hòa đều sản xuất miến mộc. Chị Loan, chủ cơ sở sản xuất miến Loan Thành, thôn Đầm, xã Tân Hòa cho biết thêm, do nắng nhiều, quá trình phơi miến được đảm bảo nên chất lượng cũng ngon hơn.

Đặc biệt, thời gian qua, UBND xã Tân Hòa cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho các hộ sản xuất. Đồng thời hướng dẫn các hộ thực hiện đúng quy định đóng gói, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để miến dong ngày càng đảm bảo về chất lượng và khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Bởi vậy, dù năm nay giá giảm so với năm trước nhưng sản xuất miến dong vẫn mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân. Trừ chi phí, nhiều hộ vẫn thu lãi trên 100 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.