Sản phẩm OCOP góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Ứng Hòa

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đặt ra mục tiêu nâng cao thu nhập, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng chất lượng đời sống cho Nhân dân huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội) thời gian qua.

Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Ứng Hòa được trưng bày tại các hội chợ  
Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Ứng Hòa được trưng bày tại các hội chợ  

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng: Đích hướng tới của sản phẩm OCOP ở Ứng Hòa là tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt từ chương trình này không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các siêu thị, giúp kinh tế Ứng Hòa phát triển.

Để đạt được điều này, mục tiêu của Ứng Hòa là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của các địa phương trên địa bàn theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ.

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Qua đó, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn huyện Ứng Hòa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân khu vực nông thôn.

Tính đến hết năm 2022, huyện Ứng Hòa có 44 sản phẩm được Hội đồng đánh giá phân hạng TP công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 33 sản phẩm Ocop đạt 3 sao, 13 sản phẩm Ocop đạt 4 sao. Điểm hình như các sản phẩm: Gạo J02 - chất lượng khu cháy, sản phẩm giò, chả, bánh trưng, rượu, bưởi diễn, hương…

Điển hình đối với sản phẩm Gạo J02 đã được HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng Khu Cháy”. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm “Gạo chất lượng Khu Cháy” tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm và được TP công nhận đạt 4 sao.

Hiện HTX phát triển hệ thống xay, xát gạo theo dây chuyền hiện đại có thanh lọc những hạt bị vỡ và tạp chất nên hạt gạo bóng, đẹp, đủ tiêu chuẩn. Do đó, HTX đang liên kết với Công ty TNHH Tường Lân xây dựng và quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo ở Hà Nội và phân phối đến các đại lý lúa gạo tại các tỉnh, TP…

Từ khi đạt chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn. Không chỉ có sản phẩm “Gạo chất lượng Khu Cháy” đạt 4 sao mà còn rất nhiều sản phẩm khác đạt 3 - 4 sao như sản phẩm hương của Chủ thể Nguyễn Thu Phương, thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu.

Cánh đồng lớn lúa J02 huyện Ứng Hoà
Cánh đồng lớn lúa J02 huyện Ứng Hoà

Nghề làm hương của xã, chẳng một ai biết chính xác nghề làm hương có từ khi nào. Bản thân những người sống với nghề làm hương cũng chỉ có thể nói khi họ được sinh ra đã có nghề. Đối với bản thân chị Phương đã học nghề và làm nghề từ nhỏ, đến nay chị đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.

Gia đình chị cũng là một trong số ít những hộ còn làm hương thủ công. Sản phẩm hương của gia đình chị là sản phẩm 100% thiên nhiên, không hoá chất, tốt cho sức khoẻ và không gây dị ứng. Sản phẩm được nhiều người, nhiều nơi biết đến.

Ứng Hoà không chỉ thành công bước đầu trong xây dựng chương trình OCOP, hiện toàn huyện còn có tới 99 HTX và các tổ hợp tác. Ðây chính là sức mạnh nội sinh giúp sản xuất nông nghiệp nói chung, làng nghề nói riêng trên toàn huyện đi vào hướng sản xuất chuyên sâu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, OCOP còn tạo điều kiện để địa phương hoàn thiện hơn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng đến quy trình sản xuất hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường. Trong đó, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, coi đây là yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP của địa phương chinh phục thị trường.

 Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng: Để thực hiện tốt được chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần quán triệt đến cấp, ngành, cán bộ và Nhân dân để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Định hướng, khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có đảm bảo mục tiêu đề ra, trước mắt tập trung chỉ đạo đối với một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu có trên địa bàn huyện.

 Tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về: Đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao gói sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP; tuyên truyền cơ sở tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, sử dụng “Quy trình xác thực chống hàng giả” vào quản trị doanh nghiệp, minh bạch quá trình hình thành và kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần