Sản phẩm ứng dụng trong y tế và nghịch lý nghiên cứu, chế tạo rồi... để đấy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một sản phẩm vừa tốt, vừa rẻ, lại do người Việt Nam làm chủ công nghệ, nhưng cho đến nay vẫn đang "ngủ yên" trong phòng thí nghiệm, là bởi câu chuyện muôn thuở... đầu ra.

Trong những năm gần đây, các laser bán dẫn được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe con người. Các laser bán dẫn công suất thấp được sử dụng phổ biến trong trị liệu như châm cứu, hồi phục vết thương diện nhỏ. Trong khi đó các laser bán dẫn công suất cao được ứng dụng rộng rãi trong chuẩn đoán, phẫu thuật và điều trị bệnh. 

Sản phảm tốt nhưng vẫn phải… ngủ yên 

Từ năm 2011, dựa trên nền tảng là hàng chục năm nghiên cứu về laser bán dẫn và module laser bán dẫn công suất thấp, thêm việc tận dụng được cơ sở vật chất, thiết bị sẵn có của Phòng thí nghiệm trọng điểm về Vật liệu và Linh kiện Điện tử, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Vũ Doãn Miên, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy laser công suất cao dùng trong điều trị bệnh. Qua 1 năm thử nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Bỏng Lê Hữu Trác, thiết bị này được các chuyên gia y tế của Bộ Y tế đánh giá cao.
Máy trị liệu laser diode công suất lớn có nhiều tính năng phục vụ sức khỏe nhưng sau nghiên cứu chế tạo thành công thì vẫn nằm trong phòng thí nghiệm
Máy trị liệu laser diode công suất lớn có nhiều tính năng phục vụ sức khỏe nhưng sau nghiên cứu chế tạo thành công thì vẫn nằm trong phòng thí nghiệm
Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại máy trị liệu, với đủ các công dụng và tính năng được quảng cáo hấp dẫn. Tuy nhiên, với các dòng máy phổ thông, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, giá thành phải chăng. Còn một số loại máy nhập của Nhật, Mỹ, châu Âu thì giá cao hơn rất nhiều lần do công dụng, độ ổn định, tính an toàn được đảm bảo hơn.

TS. Trần Quốc Tiến, thành viên nhóm nghiên cứu nhớ lại, việc nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy trị liệu là một trong những ứng dụng được phát triển trên nền tảng nghiên cứu về laser bán dẫn, một trong những thế mạnh của Viện. Bởi vậy, chiếc máy trị liệu này được các chuyên gia y tế đánh giá cao, có chất lượng tốt ngang ngửa với sản phẩm cùng chủng loại sản xuất tại châu Âu, nhưng với giá thành rất cạnh tranh. Một sản phẩm vừa tốt, vừa rẻ, lại do người Việt Nam làm chủ công nghệ, nhưng cho đến nay vẫn đang "ngủ yên" trong phòng thí nghiệm, là bởi câu chuyện muôn thuở... đầu ra. 

Đơn thương độc mã

PGS.TS. Vũ Doãn Miên cho biết, để thực hiện đề tài, ngoài chuyên ngành về kỹ thuật, ông còn phải học và đọc thêm rất nhiều tài liệu y học nước ngoài để xác định được bước sóng thích hợp với con người, sử dụng tốt trong điều trị. Lý giải việc tại sao không hỏi tư vấn từ các chuyên gia y tế, mà phải mất công tìm hiểu thêm cả các tài liệu không thuộc chuyên ngành, ông cười đáp: "Y học Việt Nam rất ít nghiên cứu. Ở nước ngoài, bác sĩ ngoài việc chữa bệnh còn phải nghiên cứu, vì vậy họ hiểu rất sâu sắc quá trình trị bệnh. Nhưng ở mình thì bác sĩ chỉ chữa bệnh thôi đã đủ bận rồi". 
TS. Trần Quốc Tiến, Thành viên trong nhóm nghiên cứu. Hiện là tác giả chính do chủ nhiệm đề tài đã nghỉ hưu.
TS. Trần Quốc Tiến, thành viên trong nhóm nghiên cứu, hiện là tác giả chính do chủ nhiệm đề tài đã nghỉ hưu.
Độc lập trong nghiên cứu, nhưng ngay cả khi sản phẩm hoàn thiện và bước đầu được thử nghiệm ở các bệnh viện chuyên khoa, các nhà khoa học lại tiếp tục "đơn thương độc mã" trong giai đoạn cần sự góp sức của các chuyên gia y tế và quan trọng hơn cả, xin Giấy phép lưu hành, vốn là điều kiện tiên quyết để sản phẩm tìm được đầu ra.

Góp thêm ý về vấn đề này, TS. Tiến cho biết, những đối tác có tiềm lực sản xuất  thì không mạnh dạn đầu tư cho sản xuất công nghệ. Ít có chỗ nào chịu đầu tư để “chạy” thủ tục cho một Giấy phép lưu hành, mà không biết mất bao lâu, và tốn kém bao nhiêu, trong khi thị trường đã có muôn vàn các sản phẩm tương tự. Khi tính đến bài toán kinh tế, chắc họ (doanh nghiệp - PV) sẽ lựa chọn phương án an toàn là mua sản phẩm về bán, phục vụ theo nhu cầu.

TS. Trần Quốc Tiến cho biết, ngay khi kết thúc đề tài chế tạo máy vật lý trị liệu công suất cao, nhận thấy nhu cầu thị trường là rất rộng mở, nhưng không có điều kiện theo đuổi sản xuất loại máy to với chi phí quá lớn, anh và nhóm cộng sự lại tiếp tục nghiên cứu và cho ra các loại máy công suất nhỏ, dùng trong châm cứu và điều trị bệnh tại các phòng mạch. Loại máy nhỏ, gọn được anh cải tiến rất nhiều so với hàng ngoại nhập, về giá thì chỉ bằng 1/8 chiếc máy ngoại nhập cùng chủng loại. 

Anh tâm sự: "Nghiên cứu, chế tạo dù sao cũng đã là nghề của chúng tôi, nhưng sau khi máy móc được hoàn thiện, có kiểm định tốt rồi, việc xin cấp phép lưu hành lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là những rào cản về thủ tục mà nhà khoa học đang gặp phải". 

Để những nhà khoa học không “cô đơn” trong việc vươn lên làm chủ công nghệ, ngõ hầu công nghệ Việt được tỏa sáng, cần lắm sự chung tay của các ban, ngành chức năng, sự quan tâm và ý chí của doanh nghiệp, và một chiến lược dài hơi nhằm thúc đẩy nghiên cứu, chế tạo công nghệ mang thương hiệu Việt.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ánh sáng có tác động tính cực đến các quá trình làm lành vết thương, thúc đẩy trao đổi chất, làm giảm đau và nâng cao thể trạng chung cho vùng da được chiếu cũng như vùng tổ chức bị tổn thương bằng các bước sóng thích hợp và tần số điều biến xung thích hợp. Hơn thế nữa, việc điều trị bằng laser không cung cấp năng lượng nhiệt cao gây tổn thương, phá hủy hoặc đốt cháy các mô da, rất an toàn cho điều trị.  Tăng hiệu quả chữa bệnh (nhanh lành, hồi phục) lên đến 20-30%.