Đến thời điểm này, việc ôn luyện của các sĩ tử cũng như công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã vào giai đoạn “nước rút”. Học thật, thi thật, triệt tiêu gian lận là mục tiêu của ngành giáo dục hướng tới trong kỳ thi trước mắt.
Rút kinh nghiệm từ thi thử
Từ cuối tháng 3/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng cho hơn 65.000 học sinh khối 12. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, với khâu tổ chức thi y như kỳ thi THPT quốc gia đã giúp cho cả thầy và trò có cơ hội tập dượt về tâm lý, ý thức tuân thủ quy chế kỳ thi. Đồng thời, kết quả của kỳ thi đã chỉ ra những “lỗ hổng” kiến thức để các em học sinh có sự ôn luyện, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi thật.
Hiệu trưởng trường THPT Cổ Loa (huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Hạnh cho biết, trong đợt khảo sát chất lượng vừa qua nhà trường có 491 học sinh lớp 12 tham dự. So với tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp thì số điểm trong đợt thi thử của cả 491 thí sinh đều đạt. Theo thầy Hạnh, ngay sau khi có kết quả thi khảo sát chất lượng, nhà trường đã họp lại hội đồng giáo viên để lên kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 12.
Tại trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), sau khi có kết quả của đợt kiểm tra khảo sát chất lượng khối 12, việc ôn luyện cho sĩ tử cũng được nhà trường đốc thúc hơn. Hầu hết các bài thi của kỳ thi THPT đều theo hình thức trắc nghiệm khách quan, nên nhà trường đã lồng ghép hình thức này trong các bài kiểm tra thường xuyên. Với trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), chương trình lớp 12 đã được dạy hoàn thiện trong tháng 3 để học sinh tập trung ôn luyện trong 3 tháng còn lại.
Trực tiếp tham gia ôn luyện cho học sinh lớp 12 tại trường THPT Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), thầy giáo Phan Trắc Thúc Định cho biết, ngay từ khi có kế hoạch thi THPT Quốc gia 2019, nhà trường đã lập kế hoạch ôn thi theo chủ trương và bám sát theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Học sinh được học song hành theo chương trình chung của Bộ và tăng cường thêm các tiết học. Việc học ôn của học sinh lớp 12 được chia thành hai ca, giáo viên luôn sắp xếp thời gian hợp lý để các em ôn thi hiệu quả nhất. Nhà trường và giáo viên cũng kết hợp phân chia học sinh lớp 12 để ôn tập và hướng dẫn các em sâu sát hơn.
Cụ thể, với nhóm học sinh khá, giỏi, nội dung ôn tập được nâng cao nhằm hướng các em thi đậu vào các trường học viện, đại học như mong muốn. Còn nhóm đối tượng học sinh yếu hơn, mục tiêu và nội dung ôn tập giúp các em nắm chắc kiến thức sách giáo khoa.
Hướng tới kỳ thi an toàn, hiệu quả
Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh cho biết, đến thời điểm này, các Sở GD&ĐT trên toàn quốc đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Tất cả các trường hợp phát sinh như bão lũ, mất điện, thí sinh vượt đèo, lội suối… đều được rà soát kỹ lưỡng để có phương án hỗ trợ kịp thời. Không chỉ tại Hà Nội, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng tổ chức thi thử cho học sinh khối 12 để có cái nhìn tổng quan về chất lượng học sinh nhằm lên kế hoạch ôn luyện kỹ lưỡng.
Đồng thời, rút ra bài học từ các vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, công tác lựa chọn nhân sự, phân công trách nhiệm cho các đối tượng tham gia tổ chức thi đã được rà soát kỹ. Hệ thống an ninh, camera được tăng cường tại các phòng lưu trữ bài thi. Bên cạnh đó, năm nay, Bộ GD&ĐT giao các trường đại học cùng chấm bài thi trắc nghiệm với phần mềm chấm thi đã được điều chỉnh, được chạy thử trước đó.
Để tăng cường tính bảo mật, chấm thi khách quan, ảnh thí sinh, bài thi cùng các dữ liệu liên quan đều được mã hóa. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố hệ thống đường dây nóng và địa chỉ mail tiếp nhận các thông tin, thắc mắc của thí sinh và phụ huynh học sinh xung quanh kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Mặt khác, do kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 có một số thay đổi so với năm trước, nhất là tỷ lệ điểm bài thi xét tốt nghiệp, do vậy, TS Mai Văn Trinh khuyến khích các em học sinh tìm hiểu kỹ các quy định, quy chế của kỳ THPT Quốc gia 2019 để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Ngoài ra, bên cạnh việc tăng cường ôn luyện kiến thức, các em học sinh cần phân bổ thời gian vui chơi giải trí hợp lý, tránh căng thẳng áp lực, tạo tâm lý tốt trước khi bước vào kỳ thi.