Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẵn sàng cho sân chơi thuế tối thiểu toàn cầu

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa Việt Nam chính thức tham gia sân chơi thuế suất tối thiểu toàn cầu. Vấn đề đặt ra là điều kiện nào để hấp dẫn dòng vốn FDI, đặc biệt là dòng vốn FDI chất lượng cao, giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tạo đột phá về cải cách, hỗ trợ hút FDI

Từ ngày 1/1/2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% chính thức có hiệu lực. Các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Theo đó, các công ty đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu Euro hay 850 triệu USD trở lên trong 2 năm của 4 năm gần nhất sẽ bị đánh thuế 15%. Điều đáng nói, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không nộp thuế hoặc nộp thuế thấp hơn mức sàn 15% tại nước nhận đầu tư thì nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính sẽ thu phần chênh lệch này. Đây là một chính sách sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nước đang có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư kinh doanh như Việt Nam.

Cải cách hành chính đễ hỗ trợ doanh nghiệp FDI.
Cải cách hành chính đễ hỗ trợ doanh nghiệp FDI.

Trong bối cảnh Việt Nam thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu, Chính phủ thể hiện nhiều nỗ lực để củng cố niềm tin, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp cả nước hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Tích lũy của doanh nghiệp trong nhiều năm cũng dần cạn, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động hoặc thậm chí phải ngừng hoạt động.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nêu quan điểm, để cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, tạo điều kiện giữ chân các nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và tiếp tục thu hút đầu tư mới thì Chính phủ Việt Nam phải xử lý đồng bộ nhiều vấn đề. Cụ thể, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác; đồng thời thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu này một cách hợp lý, đúng mục đích nhằm ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Cùng với việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư, phải rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Thảo - Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương cho rằng, cần tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, coi đây là giải pháp trợ lực đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước địa phương cần nâng cao chất lượng dịch vụ công, hoàn thiện và nâng cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động đối thoại, trao đổi với nhà đầu tư, doanh nghiệp cần đảm bảo thực chất; giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp chứ không chỉ để lắng nghe. Chính quyền địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số.

Định vị thu hút đầu tư

Khi chính thức tham gia sân chơi thuế tối thiểu toàn cầu, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài hiện tại của Việt Nam và các địa phương sẽ cần những giải pháp mới. Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp chịu tác động mà còn đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đòi hỏi chính sách thu hút đầu tư cần thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động xây dựng chủ trương chiến lược mới trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu.

ThS Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, về mặt dài hạn đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tái cấu trúc chiến lược thu hút FDI. Cần định vị lại thu hút đầu tư. Cái đích cần nhất là các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho chúng ta thế nào. Dịch chuyển từ mô hình kinh tế truyền thống chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, tạo cơ sở hướng tới những dự án tỉ đô trong tương lai. Trước mắt, để duy trì lợi thế ưu đãi, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI...

"Trên thực tế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ thay thế những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng khi Việt Nam triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Đồng thời, đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam cần nghiên cứu quyền đánh thuế bổ sung nếu thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%" - ông Trí nói.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Nguyễn Minh Cường cho rằng, hiện quá trình tái cấu trúc dòng vốn FDI cũng như thương mại toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ. Trong khu vực kinh tế tư nhân, Việt Nam đang thiếu nhất là doanh nghiệp vừa. Việt Nam có tới 5 triệu hộ kinh tế gia đình và khoảng 800.000 các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, trong khi đó doanh nghiệp vừa chiếm rất ít. Vậy nên cần tập trung các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ở quy mô này.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI cũng ưu tiên đầu tư cho các hoạt động sản xuất xanh và chuyển đổi năng lượng sạch và sản xuất giá trị cao. Đây cũng là một hướng đi cần tập trung trong thời gian tới. Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để cân nhắc các chính sách phù hợp và chuyển hướng đến sản xuất xanh, sạch và công nghệ cao.