Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẵn sàng phương án chống hạn vụ Xuân

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Hà Nội là một trong những địa phương thường gặp khó về nguồn nước gieo cấy vụ Xuân. Để chủ động chống hạn trong vụ Xuân tới, các sở ngành của TP đã lên phương án ứng phó, tập trung chỉ đạo các đơn vị vào cuộc tích cực.

Công nhân bảo dưỡng thiết bị tại Trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn
Lượng mưa giảm, hồ chứa thiếu hụt nước
Theo kế hoạch, vụ Xuân 2020, toàn TP gieo cấy 112.000ha cây trồng, trong đó, có 90.000ha lúa và 22.000ha hoa màu. Khung thời vụ gieo cấy tập trung vào sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Tuy nhiên, đây là giai đoạn được cho là không thuận lợi về nguồn nước.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa từ tháng 12/2019 - 4/2020 chỉ đạt khoảng 20 – 40mm/tháng. Trong giai đoạn cao điểm lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2020, tổng lượng mưa toàn lưu vực sẽ thiếu hụt từ 15 – 20%. Dòng chảy trên các sông, suối từ nay đến tháng 4/2020 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ cũng sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 – 50%. Đến cuối mùa mưa, khả năng các hồ chứa thủy lợi không tích được đầy nước, phổ biến thiếu hụt từ 10 – 20% so với dung tích thiết kế. Thực tế cho thấy, mực nước trung bình các hồ chứa thủy lợi tại Hà Nội hiện chỉ đạt khoảng 80% dung tích thiết kế.
Theo Bộ NN&PTNT, các hồ chứa thủy điện sẽ mở cửa xả để bổ sung nguồn nước gieo cấy vụ Xuân 2020 trong tổng cộng 18 ngày và chia thành 3 đợt. Đợt 1 từ 0 giờ ngày 20/1 đến 24 giờ ngày 23/1 (4 ngày); đợt 2 từ 0 giờ ngày 5/2 đến 24 giờ ngày 12/2 (8 ngày); đợt 3 từ 0 giờ ngày 19/2 đến 24 giờ ngày 24/2 (6 ngày).
Cùng với lượng mưa thiếu hụt và mực nước thấp của nhiều hồ chứa thủy lợi, mực nước các hồ chứa thủy điện được dự báo cũng chỉ đạt mức thấp so với dung tích thiết kế trong giai đoạn cao điểm lấy nước. Đơn cử như, hồ Sơn La 44%, hồ Thác Bà 52%, hồ Hòa Bình 67%, hồ Tuyên Quang 95%...
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, với diễn biến lượng mưa và mực nước như đề cập trên, không loại trừ nguy cơ mực nước sông Hồng trong thời gian xả nước hồ chứa thủy điện không đạt +2,0m và thời gian dưới +1,0m kéo dài. Đây sẽ là điều kiện bất lợi đối với công tác lấy nước vụ Xuân 2020 của Hà Nội.
Phấn đấu cơ bản lấy đủ nước sau ngày 12/2/2020
Để bổ sung nguồn nước cho gieo cấy vụ Xuân 2020, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với các bộ, ngành tiến hành xả nước các hồ chứa thủy điện, bắt đầu từ ngày 20/1/2020. Trong giai đoạn này, mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội sẽ được duy trì trong đợt 1 từ +1,6m trở lên; đợt 2 từ +2,0m trở lên và đợt 3 từ +1,4m trở lên.
Dù vậy, với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước nêu trên, Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án chống hạn từ tháng 11/2019. Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục có công văn đôn đốc các địa phương, DN thủy lợi bám sát lịch lấy nước của Bộ NN&PTNT để tập trung vận hành hệ thống các công trình.
Để đảm bảo hiệu quả lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2020, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát kế hoạch sản xuất trên cơ sở bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước. Đối với những diện tích có khả năng không đủ nước để gieo cấy lúa thì kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các DN thủy lợi tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống các công trình, lắp đặt công cụ bơm dã chiến, thủ công, nhất là các trạm bơm ít phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Xây dựng kế hoạch lấy nước chi tiết, phấn đấu hoàn thành cơ bản đưa nước lên đồng ruộng sau khi kết thúc đợt lấy nước thứ 2 (tức ngày 12/2/2020).
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội xây dựng phương án cấp điện hợp lý trong giai đoạn lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2020. Trong đó, ưu tiên bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm đầu mối lớn như Sơn Đà, Phù Sa, Đan Hoài, Thanh Điềm, Bá Giang, Ấp Bắc, Hồng Vân...