Sẵn sàng ứng phó với bão số 3

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/9, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo 26 tỉnh, TP (từ Thanh Hóa trở ra) và các bộ, ngành T.Ư bàn biện pháp ứng phó với cơn bão số 3. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tới dự và chỉ đạo cuộc họp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 18,9 độ vĩ Bắc; 114,6 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo, bão số 3 sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng vào tối 16/9, rạng sáng ngày 17/9, với cường độ cấp 10-11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 7 giờ ngày 17/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Tây Bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 một giờ).
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tới dự và chỉ đạo cuộc họp
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tới dự và chỉ đạo cuộc họp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) đêm nay (15/9) còn có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật cấp 15-16, sóng biển cao 7-9m. Biển động dữ dội. Từ sáng mai (16/9), vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15-16, sóng biển cao 5 - 6m. Biển động dữ dội.

Từ chiều mai (16/9), các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 12-13. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Ở Bắc Bộ từ đêm 16/9 có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía bắc có mưa to đến rất to.

Theo báo cáo của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, tính đến 14 giờ 30 phút ngày 15/9, Biên phòng các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 81.924 phương tiện (tàu thuyền, lồng, bè) với 336.498 người biết diễn biến của bão số 3 để chủ động phòng tránh.

Theo đánh giá, bão số 3 là cơn bão hiếm gặp với tốc độ di chuyển nhanh, bán kính hoàn lưu bão lên tới 350km. Trước diễn biến của bão số 3, các tỉnh, TP đã có những kế hoạch cụ thể để chủ động đối phó với diễn biến của bão. Hiện, tại Hải Phòng, các hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ đã bị cấm, trong khi đó, 112 tàu vận tải của tỉnh đang hoạt động trên biển cũng đang được yêu cầu cập bến trong buổi trưa hôm nay (16/9).

Tại Quảng Ninh, hiện việc liên lạc với 249 tàu đánh bắt xa bờ vẫn được duy trì. Các tàu thuyền được yêu cầu không ra khơi từ sáng nay 16/9. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh cũng đang yêu cầu 500 tàu du lịch hiện đang hoạt động trên các vùng biển của tỉnh phải cập bờ trước 12 giờ trưa 16/9,...

Trong khi đó, ở các tỉnh khu vực miền núi, công tác sơ tán dân tránh sạt lở, lũ quét cũng được các tỉnh tập trung rà soát, thực hiện. Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết, rút kinh nghiệm trong cơn bão số 2 vừa qua, trong khi khu vực ven biển không để thiệt hại về người thì vùng núi phía Bắc lại để xảy ra tới 32 trường hợp người chết, trong đó, chủ yếu là người dân đi qua sông, suối và sạt lở đất. Chính vì vậy tại cuộc họp, Bộ  trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các tỉnh, TP làm tốt công tác thông tin tuyên truyền và sẵn sàng các biện pháp sơ tán người dân.

Trước diễn biến đó, tại tỉnh Yên Bái, lãnh đạo địa phương cho biết, đã thành lập 9 đoàn công tác, ngay từ chiều qua (15/9) tới các huyện trên địa bàn để kiểm tra tình hình phòng chống bão, cũng như bố trí phương án di dời người dân đến nơi an toàn khi có mưa lớn xảy ra. Các tỉnh Hà Giang và Sơn La đã chuẩn bị phương án sơ tán cho tương ứng là 302 hộ dân và 260 hộ dân hiện đang trong khu vực nguy hiểm. Riêng đối với tỉnh Lào Cai, địa phương hiện còn chưa giải quyết hết hậu quả của bão số 2, nay lại đứng trước nguy cơ từ cơn bão số 3, lãnh đạo tỉnh cũng đang lên phương án di dời sớm đối với 198 hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, các địa phương cần thực hiện nghiêm việc bố trí lực lượng trực gác tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, hướng dẫn các phương tiện qua lại, tránh tâm lý chủ quan để xảy ra tình trạng người chết do lũ cuốn trôi. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các tỉnh, TP chịu ảnh hưởng hủy các cuộc họp ít quan trọng để tập trung toàn lực đối phó với bão số 3, đồng thời tập trung chỉ đạo  đến 17 giờ chiều 16/9, tất cả tàu thuyền phải cập bờ và người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, biện pháp trọng tâm là làm sao phải tuyên truyền để người dân bảo vệ chính mình, để người dân nhận thức rõ về sự nguy hiểm khi xuất hiện lũ ống, lũ quét.
Chiều 15/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã đi kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở bờ  tả hạ lưu cống Cổ Loa, sông Thiếp (huyện Đông Anh), khu vực hiện bị sạt lở khoảng 600m, làm mất toàn bộ thân và mặt đê, nhiều diện tích đất canh tác và hoa màu bị cuốn trôi gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của người dân. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội nhanh chóng lập biển cảnh báo nguy hiểm, đồng thời sẵn sàng các phương án di dời người dân khi có sự cố xảy ra, nhất là khi bão số 3 đang tiến sát bờ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần