Sàn thương mại điện tử khai, nộp thuế cho người bán: Chặn kẽ hở trốn thuế kinh doanh online

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 40/2021/TT-BTC (Thông tư 40) của Bộ Tài Chính quy định sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) phải thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thông qua sàn. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, quy định này là cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng thất thu thuế, trong bối cảnh ngày càng nhiều trường hợp thu nhập “khủng” nhờ kinh doanh online nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế.

 Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Bịt lỗ hổng pháp lý

Theo ông đâu là cơ sở để Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40 về Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh?

Hiện nay, do sự phát triển mạnh của TMĐT mà nhiều sàn giao dịch TMĐT đã được hình thành và thu hút số đông người dùng sử dụng. Có thể kể đến 4 sàn giao dịch TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay như: Lazada, Shopee, Sendo, Tiki. Khoảng 3 năm trở lại đây, khi sự phát triển TMĐT lên cao trào tại Việt Nam, thì các cơ quan quản lý thuế mới đặt ra vấn đề quản lý thuế thu nhập của những cá nhân kinh doanh trên các nền tảng của sàn giao dịch TMĐT như thế nào.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40. Theo đó, tại điểm d khoản 1 Điều 8 Thông tư quy định về phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân như sau: “Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thế. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: Họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ, email, số điện thoại liên lạc, hàng hóa, dịch vụ cung cấp, doanh thu kinh doanh, tài khoản ngân hàng của người bán, thông tin khác liên quan”.

Mặc dù đem lại nhiều tiện ích, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng hoạt động của các sàn TMĐT cũng thể hiện mặt hạn chế trong quản lý nhà nước về thuế. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Trong khi các quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động TMĐT còn chưa đáp ứng được sự phát triển của hoạt động kinh doanh này, không ít cá nhân, DN trên các sàn TMĐT vẫn thường truyền tai nhau các cách “né” thuế như: Không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế, không ghi rõ về việc thường trú tại Việt Nam hoặc kê khai thiếu số lượng, thấp giá trị của các mặt hàng để trốn thuế. Các mánh khóe này có thể dễ dàng thực hiện bởi sự quản lý chưa chặt chẽ của các sàn TMĐT cũng như các cơ quan có thẩm quyền cũng rất khó khăn để thu thập được căn cứ buộc tội, chứng minh cho hành vi vi phạm.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của Thông tư 40 khi áp dụng vào thực tế?

Có thể khẳng định, Thông tư 40 quy định việc thu thuế người kinh doanh online là cần thiết để ngăn chặn tình trạng thất thu thuế, trong bối cảnh ngày càng nhiều trường hợp thu nhập “khủng” nhờ kinh doanh online, nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Thông tư 40 có hiệu lực sẽ hỗ trợ rất lớn cho cơ quan quản lý thuế, hạn chế thất thu thuế nhưng nó sẽ tăng trách nhiệm cho chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (theo lộ trình). Ở một góc độ khác, trong thủ tục đăng ký kinh doanh thì trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân sẽ có thể trở thành một điều kiện bắt buộc cho ngành nghề kinh doanh sàn giao dịch TMĐT.

 Các sàn thương mại điện tử phải khai, nộp thuế thay cho hộ/cá nhân kinh doanh. Ảnh minh họa

Cơ quan quản lý thuế và sàn thương mại điện tử phải phối hợp chặt chẽ

Việc áp dụng thực hiện Thông tư 40 liệu có gây khó dễ gì cho các sàn TMĐT không, thưa ông?

Các sàn TMĐT không thể kiểm soát được hết lượng giao dịch trong 1 ngày trên các nền tảng này. Với khoảng mấy chục triệu giao dịch mỗi ngày, khối lượng công việc của các sàn rất lớn. Hơn nữa, các sàn giao dịch TMĐT cũng không có cơ sở dữ liệu để kiểm soát các cá nhân chưa đến ngưỡng chịu thuế dưới 100 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, việc kê khai, thu thuế hộ cá nhân còn khiến các sàn lo ngại vì sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, như xây dựng phần mềm hỗ trợ xác định doanh thu của nhà bán, phân loại doanh thu chịu thuế và thuế suất tương ứng với hoạt động kinh doanh, tính toán số thuế phải nộp… Ngoài ra, việc này còn làm tăng đội ngũ nhân sự có chuyên môn về thuế để thực hiện nhiều khâu liên quan. Các phát sinh này sẽ tạo gánh nặng tài chính, nhân sự và kỹ thuật lớn cho các sàn, dẫn đến khó khăn cho các sàn trong việc thực hiện các thủ tục và quản lý hoạt động kê khai, nộp thuế thay.

Vậy đâu là biện pháp để đảm bảo cơ quan nhà nước có thể thu thuế của các cá nhân kinh doanh online thông qua các sàn giao dịch TMĐT mà không làm cản trở sự phát triển của các sàn?

Theo tôi, cần có những hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan quản lý thuế cho các sàn giao dịch TMĐT và cả các cá nhân kinh doanh online trên các sàn.

Thứ nhất, tạo ra cơ chế ủy quyền bắt buộc cho sàn giao dịch TMĐT. Cụ thể, trên cơ sở các nội dung của Thông tư 40, cơ quan quản lý thuế muốn thu thuế của các cá nhân kinh doanh online trên các sàn giao dịch TMĐT phải đưa ra cơ chế về một trong những thủ tục đăng ký kinh doanh online trên sàn TMĐT là phải chấp nhận điều khoản ủy quyền cho chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT sẽ đóng thuế thay cho họ. Tiếp đó, nếu các cá nhân kinh doanh online không thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc kê khai các thông tin cần thiết phục vụ cho việc đóng thuế thì sẽ bị hủy tài khoản kinh doanh online.

Thứ hai, tạo ra cơ chế tạm tính thuế thu nhập cá nhân trước khi phát sinh thu nhập.

Thông thường việc tính thuế thu nhập cá nhân hoặc DN sẽ được tính sau 1 năm và vào thời điểm cuối năm để tính tổng thu nhập trong một năm và các cá nhân sẽ nộp thuế thu nhập trên cơ sở đó. Tuy nhiên, đối với các cá nhân kinh doanh online trên các nền tảng TMĐT thì việc thu thuế sau như vậy sẽ có những bất lợi nhất định do sự không ổn định và khó quản lý kiểm soát các đối tượng này. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên đặt ra cơ chế tạm tính thuế thu nhập cá nhân và yêu cầu nộp trước khi phát sinh doanh thu trên sàn giao dịch TMĐT.

Cụ thể là, sau khi hoàn tất đăng ký thủ tục kinh doanh online trên sàn giao dịch TMĐT, cá nhân này sẽ nộp một khoản phí nhất định cho sàn giao dịch TMĐT để sau kì kết thúc tính thuế thì cơ quan nhà nước có thể khấu trừ thuế từ khoản phí đó. Nếu thuế thu nhập phải nộp cao hơn với khoản phí họ đã nộp từ đầu thì yêu cầu nộp bổ sung cho sàn giao dịch TMĐT. Việc nộp thuế trước này tạo ra một cơ chế bắt buộc các cá nhân phải hiểu rõ trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước và cũng giảm bớt các cá nhân kinh doanh online nhỏ lẻ, không có ý định kinh doanh online lâu dài.

Trên thực tế, kinh doanh qua các nền tảng TMĐT tạo ra doanh thu khổng lồ, nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, một số quy định trong Thông tư 40 có thể gây ra nhiều tác động lớn với hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT. Do đó, cần phải có lộ trình hành lang phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thuế và các sàn giao dịch TMĐT khi áp dụng Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng