Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất công nghiệp và sức tiêu dùng phục hồi mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 11 tháng năm 2009 và dự báo về tình hình kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, xu thế phục hồi của ngành công nghiệp và thị trường trong nước tháng 11 và 11 tháng năm 2009 tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

KTĐT - Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 11 tháng năm 2009 và dự báo về tình hình kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, xu thế phục hồi của ngành công nghiệp và thị trường trong nước tháng 11 và 11 tháng năm 2009 tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn so với tháng trước, ước tăng 13% so với tháng 11/2008. Tính chung 11 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực dịch vụ, sức tiêu dùng trong nước đã phục hồi đáng kể trong tháng 11. Điều này thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tăng 5,1% so với tháng trước. Như vậy, tháng 11 đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay của ngành dịch vụ.  Ngay cả khi đã loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ của 11 tháng đã tăng 18,5% so với cùng kỳ 2008.

Một chỉ số khác cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư đang tiếp tục tăng lên là trong 11 tháng qua, có khoảng 76,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng trên 28% so với cùng kỳ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo đà phục hồi mạnh hơn của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia dựa vào xuất khẩu sẽ căng thẳng hơn do các biện pháp bảo hộ trong ngắn hạn. Và bên cạnh tình trạng thâm hụt ngân sách tăng mạnh tại nhiều quốc gia do các gói kích thích kinh tế, nhiều nước phát triển sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn, trước mắt là trong ngắn hạn. Dù vậy, luồng vốn FDI được dự báo là sẽ phục hồi trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ triển khai thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ tình hình tăng trưởng tiền tệ, tín dụng và các biến động trên thị trường để ngăn chặn lạm phát cao trở lại.

Đáng chú ý, Bộ đề nghị Chính phủ không tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động trong năm 2010 mà kết thúc vào cuối năm 2009 như đã quy định. Và chỉ nên tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2010 với các khoản vay trung và dài hạn, vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, nhưng giảm mức hỗ trợ và thu hẹp đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất.