Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất công nghiệp vẫn nỗi lo tụt hậu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thiếu cơ chế chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ hỗ trợ các DN công nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, lớn mạnh để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế là điểm nghẽn lớn nhất của phát triển công nghiệp Việt Nam hiện nay.

Tăng trưởng công nghiệp còn khiêm tốn

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%), đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng 8,5 - 9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn 4,82%  so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022. Ảnh: Lê Nam 
Doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022. Ảnh: Lê Nam 

Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang những ngành công nghiệp công nghệ cao.

Trong năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp chưa thực sự là nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tái cơ cấu các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm, chưa tạo ra những thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành.

Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp. Phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. Số lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực Việt Nam có lợi thế so sánh đang có xu hướng giảm.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Chí Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới, nhất là đối với DN công nghiệp trong nước. Hiện nay, phần lớn DN công nghiệp trong nước vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 – 3 thế hệ, đặc biệt là trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp).

“Đáng nói, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tốt nhưng khoảng 74% thuộc về các DN FDI. Tức là vẫn chưa có một quy hoạch, lộ trình để chủ động có được các sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh, sản phẩm cơ khí lớn như điện gió, đường sắt cao tốc, thiết bị y tế, đường sắt giao thông…” – PGS.TS Nguyễn Chí Sáng nhìn nhận.

Khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp cốt lõi để thúc đẩy phát triển công nghiệp là phải phát triển chuỗi giá trị trong nước. Cụ thể, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các DN sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Doanh nghiệp công nghiệp trong nước cần được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp công nghiệp trong nước cần được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Từ đó, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu DN công nghiệp trong nước.

Song song với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong DN công nghiệp hướng đến mô hình nhà máy thông minh. Phát triển DN công nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, đất nước mà không có công nghiệp nền tảng thì không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không thể có kinh tế độc lập tự chủ.

Trong 2 năm qua, Bộ Công Thương đã rất chủ động, trách nhiệm để có được Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, Bộ Công Thương đang được các cơ quan có thẩm quyền giao xây dựng Luật Phát triển công nghiệp. Về phía các hiệp hội, ngành hàng cần chủ động đề xuất chính sách bởi chính sách phải xuất phát từ thực tiễn.

 

Hy vọng thời gian tới thực hiện triển khai Nghị quyết T.Ư 6 và việc xây dựng Luật Phát triển công nghiệp cũng như các chính sách thu hút đầu tư thì các ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên