Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của nhóm ngành nafyso với cùng kỳ 3 năm gần đây. Số liệu thống kê chi tiết cho thấy, linh kiện điện thoại là một trong số sản phẩm công nghiệp chủ lực có chỉ số tăng cao trong 8 tháng với mức tăng trưởng tới 19,6%. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sản phẩm tivi và điện thoại di động lại giảm lần lượt 10,7% và 5,4% so với cùng kỳ.
Về xuất khẩu thì trong 8 tháng năm 2022, điện thoại và các mặt hàng điện tử đều lọt trong 6 nhóm hàng có trị giá xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Theo đó, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt trị giá 39,6 tỷ USD, tăng trưởng 12,1%. Trong khi đó, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,1 tỷ US, tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Có thể nói, Việt Nam đang thu hút đầu tư và dần trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều hãng công nghệ, điện tử lớn trên toàn cầu như: Samsung, LG, Apple...
Kể từ năm 2020 đến nay, nhiều công ty trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam. Trong danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu gần đây của Táo khuyết, có tới 20 nhà máy đặt tại Việt Nam.
Hồi tháng 6, một phần dây chuyền sản xuất dòng máy tính bảng iPad và AirPods Pro thế hệ 2 đã được Apple chuyển sang Việt Nam. Trong năm nay, Microsoft cũng chuyển việc gia công thế hệ máy chơi game Xbox sang khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các ông lớn công nghệ đã tạo đà nâng cao vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước.