Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất lúa gạo tại Hà Nội: Giảm diện tích, nâng chất lượng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội định hướng giảm dần diện tích đất lúa nhưng sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác và nhân rộng việc sử dụng những giống mới có chất lượng cao.

 Cùng với đó, tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực cho gần 11 triệu dân.

Sẽ giảm gần 25.000ha canh tác lúa

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện còn 165.593ha đất trồng lúa, tập trung tại 23 quận, huyện, thị xã. Những năm qua, bà con nông dân duy trì hai vụ sản xuất lúa chính là vụ Xuân và vụ Mùa. Trong đó, vụ Xuân 2022, diện tích canh tác lúa của Hà Nội đạt hơn 81.000ha.

Sản phẩm gạo chất lượng cao của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Lâm Nguyễn
Sản phẩm gạo chất lượng cao của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Lâm Nguyễn

Việc sản xuất lúa những năm gần đây trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong ứng dụng cơ giới hóa và sử dụng giống chất lượng cao. Nhiều giống lúa mới cho năng suất, chất lượng vượt trội đã được bà con nông dân các địa phương tích cực đưa vào sản xuất như: J02, HDT11, Bắc Thơm số 7…

Mặc dù đã có nhiều cải tiến trong sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, tuy nhiên, so với các loại rau màu, cây ăn quả, hoa - cây cảnh, giá trị từ cây lúa nhìn chung không cao bằng. Chính vì vậy, trong định hướng cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội sẽ giảm dần diện tích đất lúa hiện nay, từ 165.593ha xuống còn 140.000ha vào năm 2025 (tức giảm hơn 25.000ha).

Trong định hướng sản xuất lúa gạo những năm tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu chuyển đổi những diện tích đất canh tác tại những vùng khó khăn về tưới tiêu (vùng đồi gò, khu vực giáp ranh đô thị…) sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Trọng tâm là các ngành hàng rau củ, trái cây và hoa - cây cảnh.

Tăng cường liên kết cung ứng

Theo tính toán của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản
Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng gạo của 10,8 triệu dân hiện đang cư trú tại địa bàn Thủ đô vào khoảng 1,16 triệu tấn/năm. Trong khi khối lượng sản xuất gạo của TP chỉ đạt 680.000 tấn/năm. Như vậy, nguồn cung gạo của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 59% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Hiện, lượng gạo còn thiếu để đáp ứng nhu cầu cho 100% cư dân Hà Nội được khai thác từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc. Một phần khác khai thác từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhập khẩu các loại gạo đặc sản từ Thái Lan, Nhật Bản…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong xu hướng giảm dần đất lúa đến năm 2025, sản lượng lương thực tự cung, tự cấp của Hà Nội vẫn sẽ thiếu hụt. Chính vì vậy, để bảo đảm nguồn cung lúa gạo, Hà Nội sẽ tăng cường liên kết vùng để đẩy mạnh khai thác hàng hóa nói chung, trong đó có lúa gạo, đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân.

TP cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương đẩy mạnh Chương trình phối hợp về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025”. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ chất lượng lúa, gạo cung ứng cho tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô...

“Mục tiêu chung TP hướng tới trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là quản lý và sử dụng hiệu quả đất trồng lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm. Đồng thời tiếp tục phát triển lúa gạo theo hướng gia tăng cơ cấu giống mới tiên tiến, có chất lượng cao phục vụ tiêu dùng của người dân Thủ đô và hướng tới xuất khẩu” - ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

 

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, diện tích canh tác lúa chất lượng cao đạt ít nhất 85%. Cùng với đó, TP sẽ bố trí khoảng 10% diện tích chuyên canh lúa để phát triển lúa giống và thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác, thu hoạch, sơ chế, chế biến.