Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất lúa hữu cơ: Hiệu quả cao vẫn khó nhân rộng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành công của mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã mở ra hướng đi mới trong việc cung ứng cho thị trường sản phẩm gạo sạch, an toàn, chất lượng.

Tuy nhiên, mô hình hiệu quả này vẫn khó nhân rộng bởi thiếu hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ.
Nhiều rào cản
Xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ là địa phương đầu tiên của Hà Nội triển khai trồng lúa hữu cơ. Năm 2012, HTX được tiếp cận dự án PAMSI của tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ xây dựng mô hình với diện tích 5ha. Sau vài vụ triển khai, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, xã viên đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có hơn 70ha lúa hữu cơ với giống Bắc thơm số 7. Chủ tịch HĐQT HTX Đồng Phú Phạm Văn Thành cho biết, mặc dù gạo hữu cơ được bán với giá trung bình 25.000 – 30.000 đồng/kg nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn chưa ổn định do số DN ký hợp đồng bao tiêu với nông dân chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh

Không chỉ Đồng Phú, mấy năm gần đây, một số địa phương đã tích cực chuyển hướng sang sản xuất lúa hữu cơ như xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, từ vụ Mùa 2016 đến nay duy trì 30ha Bắc Thơm số 7. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Kim Đường Nguyễn Văn Nam cho hay, mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và tưới dưỡng bằng nguồn nước sạch nên chất lượng gạo đảm bảo tiêu chuẩn ATTP. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa được chứng nhận là gạo hữu cơ bởi theo tiêu chí đánh giá thì đất phải được làm sạch và lấy mẫu kiểm nghiệm tối thiểu trong 5 năm.
Hiện nay, Hà Nội có 170ha sản xuất lúa hữu cơ trong tổng số gần 200.000ha gieo cấy lúa hàng năm. Tuy nhiên, TP mới chỉ có duy nhất sản phẩm của mô hình lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ được chứng nhận là gạo hữu cơ. Đánh giá về thực trạng này, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho rằng, sản xuất lúa hữu cơ cần có sự tham gia của DN cũng như việc ứng dụng công nghệ cao vào canh tác và hình thành thị trường tiêu thụ. Song, yếu tố này dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Mặt khác, cơ chế cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được cụ thể hóa đã trở thành những rào cản khiến mô hình sản xuất lúa hữu cơ khó nhân rộng. 
Cần hành lang pháp lý đầy đủ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng cũng như góp phần bảo vệ môi trường. Song, việc thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ không dễ dàng bởi mô hình này chỉ được phép sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phòng trừ dịch hại bằng biện pháp thủ công. Yêu cầu này rất khó thực hiện trên diện rộng khi các vùng chuyên canh lúa trên địa bàn TP không đồng đều về điều kiện thổ nhưỡng và phương thức canh tác.
Để tháo gỡ rào cản cho sản xuất lúa hữu cơ nói riêng cũng như sản xuất hữu cơ nói chung, Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thành Bộ tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ, đồng thời triển khai đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ quy hoạch các điểm đang sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở sẽ tham mưu với TP những chính sách khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hữu cơ. Về phía các địa phương, cần đẩy mạnh việc xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ đi đôi với tập huấn kỹ thuật canh tác cho nông dân, qua đó, từng bước thay đổi tư duy sản xuất. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra sản phẩm gạo an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.