Sản xuất nông nghiệp chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hiện tượng El Nino vẫn tiếp tục kéo dài, do đó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt của các địa phương.

Ngày 31/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023–2024 vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo Cục Trồng trọt, trong vụ hè thu 2023, diện tích gieo trồng vụ toàn khu vực hơn 266.000 ha, năng suất ước đạt 60,42 tạ/ha với sản lượng trên 1,6 triệu tấn thóc, tăng 34.000 tấn so với vụ hè thu năm 2022.

Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa năm nay khoảng 356.000ha; năng suất ước đạt trên 54 tạ/ha; sản lượng thu được hơn 1,9 triệu tấn thóc, tăng 38.000 tấn so với vụ mùa 2022.

Về cây công nghiệp, cây ăn quả, các địa phương đã duy trì được diện tích hiện có, đảm bảo về sản lượng đạt và tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt là các cây công nghiệp lớn như cà phê, hồ tiêu, cao su…

Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản tại hội nghị.
Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản tại hội nghị.

Tại Quảng Ngãi, tổng diện tích lúa gieo sạ vụ hè thu 2023 hơn 34.900 ha; năng suất bình quân ước đạt 58,98tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 206.000 tấn. So với cùng kỳ năm trước, diện tích giảm 0,78%; năng suất tăng 3,47%; sản lượng tăng 2,66%.

Năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh sang cây trồng khác là 453,9 ha. Trong vụ hè thu 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện 40 cánh đồng lớn, với tổng diện tích khoảng 786,7ha. 

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn, sản xuất nông nghiệp của khu vực còn tồn tại một số khó khăn. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ trên một đơn vị diện tích, nên xu hướng giảm lượng giống lúa gieo sạ còn chậm. Các tiến bộ kỹ thuật canh tác để giảm giá thành sản xuất lúa và các cây trồng khác chưa được đẩy mạnh áp dụng.

Về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất trong vụ hè thu, vụ mùa vừa qua, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, biến đổi khí hậu đã tác động làm thay đổi hệ sinh thái nông nghiệp, đồng thời người dân sản xuất chạy theo thị trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát, tạo điều kiện cho các đối tượng sinh vật gây hại mới nổi phát sinh, gia tăng gây hại, gây khó khăn cho công tác theo dõi và chỉ đạo phòng trừ. 

Hiện nay, người nông dân vẫn quen sản xuất tự do, lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Trong khi đó, để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu đòi hỏi phải tổ chức sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt từ vùng trồng cho đến quy trình chăm sóc, thu hoạch.

Vụ đông xuân năm 2023-2024, toàn vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ dự kiến sản xuất khoảng 406.000ha, năng suất bình quân gần 66 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt khoảng 2,7 triệu tấn thóc, tăng 0,27 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2022-2023.

Tuy nhiên, thời gian ảnh hưởng của El Nino được nhận định duy trì đến các tháng đầu năm 2024. Nếu nắng nóng xuất hiện và kéo dài dẫn đến lượng nước trữ trong các hồ chứa bị giảm nhanh, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong vụ hè thu 2024. Do vậy, các địa phương cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, hiện tượng El Nino vẫn tiếp tục kéo dài, do đó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt của các địa phương trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung.

Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT chỉ đạo cho Cục Trồng trọt và Cục Thủy lợi cùng bàn thảo để có phương án phù hợp trên cơ sở các dự tính, dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn. Từ đó chủ động các nguồn nước, chất lượng nước và điều tiết việc tưới tiêu một cách hiệu quả nhất và phù hợp với quy mô, kế hoạch sản xuất của từng tỉnh.

“Cục Trồng trọt cần hướng dẫn lịch thời vụ để né được các loại sinh vật gây hại, né hạn, né mặn. Điều này đã có kịch bản, quy trình và được thực hiện trong nhiều năm qua. Trên cơ sở đó cũng như căn cứ vào tình hình thực tế mà có điều chỉnh cho phù hợp với từng vùng”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.