Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất nông nghiệp của Thủ đô khẳng định vai trò là "bệ đỡ" quan trọng

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Qua giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Thành phố cho thấy, việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn tại Hà Nội đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ

Qua giám sát thực tiễn của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội về việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và Thành phố về phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn cho thấy, việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô trung bình khoảng 2,5% trong giai đoạn 2019-2022 (đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ 2021-2025). 

Theo Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga, kết quả giám sát cho thấy, đến nay, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Trưởng Ban Kinh tê-Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga phát biểu trong buổi giám sát tại huyện Ứng Hoà
Trưởng Ban Kinh tê-Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga phát biểu trong buổi giám sát tại huyện Ứng Hoà

Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1.871 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên (đứng đầu cả nước); hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả...

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022 và tình hình bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp đã là bệ đỡ quan trọng, góp phần đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ

Về một số kết quả cụ thể trong thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố, các nội dung hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến đào tạo, tập huấn trong các chính sách của Trung ương và thành phố đã triển khai có hiệu quả. Bên cạnh đó, thành phố quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ các ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa cấp xã, cấp thôn. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 100% công tác dồn điền, đổi thửa tạo thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất...

Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Ứng Hoà
Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Ứng Hoà

Thành phố đã triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng, hỗ trợ mua sắm một số trang thiết bị tại vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt được một số kết quả bước đầu. Ngân sách thành phố và các huyện, thị xã đã bố trí kinh phí để hỗ trợ xây dựng kiên cố hoá đường giao thông thôn, xóm, góp phần làm thay đổi bộ mặt của giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố.

Đến nay, hầu hết đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; toàn bộ 382/382 xã trên địa bàn thành phố đạt tiêu chí về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, việc triển khai hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho sản xuất cũng được thực hiện có hiệu quả. Theo Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố, người dân đã được hỗ trợ trực tiếp trong việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu vật nuôi và hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, thủy sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Đã hình thành trên 200 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích khoảng 40.000 ha canh tác các loại lúa chất lượng cao; phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, hình thành nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn...

Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ phát triển thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm, kết nối cung - cầu. Đến nay, thành phố đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề cho 20 làng nghề/10 quận, huyện, góp phần để sản phẩm của các làng nghề thâm nhập nhanh hơn và đứng vững tại một số thị trường trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sản xuất - tiêu thụ của các làng nghề.

Đoàn giám sát làm việc tại huyện Thường Tín
Đoàn giám sát làm việc tại huyện Thường Tín

Quan tâm phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong như việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương và thành phố còn chậm, một số nội dung chưa triển khai. Công tác thông tin tuyền truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, người dân tiếp cận chính sách còn hạn chế. Còn nhiều trường hợp cán bộ xã, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng còn chưa nắm được các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước và thành phố.

Công tác hướng dẫn của các sở, ngành để triển khai thực hiện một số chính sách còn chậm, hoặc chưa xây dựng các quy trình, thủ tục hỗ trợ để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp. Các sở quản lý chuyên ngành còn thụ động trong việc chờ đợi hướng dẫn của Trung ương... Một số nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND triển khai còn hạn chế. Thành phố chưa tạo lập được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ít cơ sở sản xuất quy mô lớn, hiệu quả cao hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp Thủ đô...

Đoàn giám sát đến thực địa tại cơ sở sản xuất rau theo mô hình công nghệ cao tại huyện Gia Lâm
Đoàn giám sát đến thực địa tại cơ sở sản xuất rau theo mô hình công nghệ cao tại huyện Gia Lâm
 

Ngày 12/5/2023, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND thành phố về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Qua đó, đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện, xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan. Từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chính sách trong lĩnh vực này. 

Trên cơ sở kết quả khảo sát, giám sát, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thuộc Thành phố khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, trong đó đặc biệt quan tâm xác định phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và sớm thông tin để các địa phương và doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành kịp thời triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương đảm bảo thiết thực, hiệu quả; Chỉ đạo việc rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô giai đoạn đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo gắn với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp của Thành phố. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp mang lại giá trị cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.