Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất về an toàn thực phẩm cũng như quy trình, hướng dẫn kỹ thuật nên kết quả sản xuất rau an toàn cho thu nhập cao hơn so với rau sản xuất thông thường từ 10-20%.
Người sản xuất tuân thủ kỹ thuật, bảo quản sau thu hoạch, thời gian cách ly sau khi thu hái sản phẩm, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học người tăng lên khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí cho sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 50%.
Cùng với việc tuyên truyền, hàng năm, Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội đều lấy mẫu phân tích và cho thấy tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép thấp (phân tích từ 300-1.000 mẫu rau, chỉ có khoảng 1% mẫu vượt ngưỡng).
Trong khi đó, năng suất rau tăng đều hàng năm lên 18% (năm 2009 đạt 17 tấn/ha/vụ đến năm ngoái lên 20 tấn/ha/vụ), sản lượng đạt 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị sản xuất đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Thậm chí, các vùng trồng rau trái vụ tăng 3-5 vụ/năm (rau cải năm vụ, su hào ba vụ), đạt giá trị sản xuất 1 tỷ đồng/ha/năm, có nơi đạt 2 tỷ đồng/ha/năm như Yên Viên.
Để rau an toàn phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã xây dựng tám cơ sở sơ chế rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày ở các vùng như Văn Đức, Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa, Tiền Lệ, Chúc Sơn, Đặng Xá, Nam Hồng...; 42 cơ sở sơ chế nhỏ của các hợp tác xã, doanh nghiệp với công suất 200-1.000 kg/ngày.
Để người tiêu dùng dễ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cũng như bảo vệ người trồng rau an toàn, năm 2011 Hà Nội đã thí điểm gắn tem, nhãn nhận diện rau an toàn bán buôn (Văn Đức). Năm 2012, Hà Nội nhân rộng gắn tem, nhãn nhận diện rau an toàn bán lẻ ra các vùng Duyên Hà, Thanh Đa, Tráng Việt... Đến năm 2014, thành phố có thêm 40 cơ sở dán tem nhận diện, mỗi cơ sở được cấp một mã số, sản phẩm dán tem được đưa đi tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và các tỉnh, được doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá cao.
Từ kết quả thí điểm gắn nhãn, tem nhận diện rau an toàn, Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội lập hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Hà Nội” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đến nay, các doanh nghiệp tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiệu. Rau an toàn Hà Nội hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm (chiếm 5% sản lượng rau an toàn, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng).
Rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370.000 tấn/năm (chiếm trên 92% sản lượng rau an toàn, gần 62% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng).
Ảnh minh họa.
|