Khó khăn bủa vây
Là một trong những DN chăn nuôi lớn nhưng dịch Covid-19 khiến công suất nhà máy TĂCN của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam giảm khoảng 10.000 tấn/tháng. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn, công suất của nhà máy sụt giảm đến từ việc giá thành nguyên liệu nhập tăng cao 15 – 30%. Cùng với nguyên liệu tăng giá, đại diện Công ty TNHH New Hope miền Bắc cho biết, nhiều đơn vị phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu; tuy nhiên, việc thu mua hiện rất khó khăn bởi khan hiếm nguồn hàng sau thời gian sản xuất ngưng trệ do dịch Covid-19.
Nhiều DN trên địa bàn Hà Nội cũng đang đối diện với bài toán dự trữ. Giám đốc Công ty TNHH Trường Thọ Phạm Hùng cho biết, là DN quy mô vừa và nhỏ nên khả năng dự trữ nguyên liệu của đơn vị chỉ được khoảng một tháng. Ngoài ra, DN còn phải dự trữ chất đốt, bao bì, khoáng vi lượng... Sản xuất ngưng trệ khiến chi phí vận hành hệ thống cũng tăng cao hơn.
Mở rộng nguồn nguyên liệu
Một trong những giải pháp đặt ra hiện nay để thúc đẩy sản xuất TĂCN là mở rộng nguồn nguyên liệu. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, hiện nay, có đến 70 – 85% nguồn nguyên liệu sản xuất của các DN trên địa bàn TP phải nhập khẩu. Nguyên liệu thô như ngô, bã rượu, khô đậu, lúa mì chủ yếu được nhập từ Mỹ, Hà Lan, Brazil, Argentina, Ấn Độ… Một số nguyên liệu khác như khô dầu cọ, khô dầu cải thì được nhập từ Thái Lan, Indonesia... Trong khi đó, 100% nguồn nguyên liệu phối trộn được nhập từ Trung Quốc và Singapore. Dù vậy, dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu nhập, trong khi giá lại tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các DN. Đại diện một số DN cho biết, thực tế hiện nay, chi phí thu mua nguyên liệu sản xuất TĂCN ở các nước Đông Âu như Nga, Ukraine… đang tốt hơn so với các quốc gia truyền thống kể trên. Tuy nhiên, việc nhập khẩu hiện rất khó khăn do vướng mắc nhiều thủ tục.
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm làm việc với các bộ, ngành, tạo điều kiện để các DN được nhập nguyên liệu sản xuất TĂCN từ các quốc gia Đông Âu. Về phía Sở NN&PTNT, ông Đăng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thúc đẩy tăng đàn, tái đàn, phục hồi chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tăng lượng tiêu thụ TĂCN, tạo điều kiện để các DN phát triển sản xuất. Liên quan đến vấn đề vốn hỗ trợ DN sản xuất TĂCN vượt qua dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, TP sẽ làm việc với các ngân hàng, kiến nghị cho các DN vay vốn theo dự án, thay vì cần phải có tài sản thế chấp. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành xem xét, đề xuất TP có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN.
Thống kê đến quý I/2020, trên địa bàn Hà Nội có 31 cơ sở sản xuất và 1.096 cơ sở kinh doanh TĂCN. Số cơ sở sản xuất và kinh doanh giảm lần lượt 20,5% và 5,5% so với cùng kỳ 2019. Hiện, nhiều DN đang phải hoạt động cầm chừng, vận hành nhà máy chỉ bằng 1/3, 1/4 công suất thiết kế. |