Sản xuất trái cây VietGAP tăng thu nhập cho nông dân Đồng Mai

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nay, nông dân Tổ dân phố 9 phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội đã yên tâm hơn về đầu ra cho sản phẩm trái cây, sau khi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Xuân Trung, có 1,5ha chuyên trồng các loại trái cây như dưa lê, thanh long, táo, ổi… Để có được chứng nhận mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP của Hà Nội, thời gian qua, gia đình ông cũng như các hộ trồng cây ăn quả ở Tổ dân phố 9 chỉ sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ hoại mục từ phân gà, phân chim, cỏ dại. Sau 1 năm ông mới bón cho cây ăn quả và rau. Nước tưới cũng được sử dụng nước sạch.

Ông Nguyễn Xuân Trung, có 1,5ha chuyên trồng các loại trái cây như dưa lê, thanh long, táo, ổi…
Ông Nguyễn Xuân Trung, có 1,5ha chuyên trồng các loại trái cây như dưa lê, thanh long, táo, ổi…

Ông Trung chia sẻ: “Từ khi các loại rau, quả, trái cây của gia đình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP luôn được các đơn vị, cá nhân đến bao tiêu sản phẩm đưa vào chuỗi cung ứng, nhiều khi không có để bán. Bởi vì bây giờ thị trường nhiều người quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu như trước kia sản xuất theo lối truyền thống, sản phẩm rau, quả, trái cây khi vào chính vụ rất khó bán, giá rẻ.

Đặc biệt, sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật vi sinh gia đình tôi đã tiết kiệm khoảng 1 triệu đồng/ha rau và giảm khoảng hơn 2 triệu đồng/ha đối với các loại cây ăn trái như thanh long, táo, dưa trong mỗi vụ sản xuất. Năm nay phân bón hóa học, nhất là đạm đắt gấp đôi so với năm ngoái, việc sản xuất theo hướng hữu cơ còn tiết kiệm chi phí hơn số tiền kể trên”.

Không chỉ có gia đình ông Trung, những người sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Đồng Mai đều có hiệu quả chung về tiết kiệm chi phí và dễ bao tiêu sản phẩm.

Nói về vấn đề này Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Mai Nguyễn Văn Hoàn cho biết: “Năm 2021, phường có 12,7ha cây ăn quả được chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu năm 2022 đã được các cơ quan của TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đối với các loại trái cây như chuối, bưởi, nhãn, thanh long, đu đủ, cam, táo.

Các hộ và Tổ hợp tác đều đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ quả, rau ra ngoài thị trường dễ dàng. Trái cây khi có giấy chứng nhận sản xuất an toàn VietGAP có giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất bình thường”.

Như vậy, sản xuất cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ tiết kiệm chi phí cho nông dân mà giá bán sản phẩm cũng cao hơn khoảng 5 - 10% so với trước, tùy vào từng thời điểm.

Không chỉ có sản xuất trái cây, hiện nay phường Đồng Mai đang nhân rộng mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn sang các loại rau, củ, quả ở các tổ dân phố khác. Một số bà con sản xuất rau an toàn VietGAP đang cung ứng vào chuỗi tiêu thụ hàng hóa là siêu thị, cửa hàng tiện ích, cho thu nhập cao.