Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất và công nghiệp cần liên minh để gia tăng sức mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu tới năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại,...

Kinhtedothi - Mục tiêu tới năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chỉ còn 5 năm nữa làm sao đạt được mục tiêu này? – đây là vấn đề không mới, nhưng thực sự bức thiết vào thời điểm hiện nay khi mà nền sản xuất trong nước ngày càng chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Đâu là “điểm tựa” của DN?

Theo ý kiến của ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen tại Diễn đàn Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam lần thứ nhất năm 2016 tổ chức ngày 21/4, đầu tư vào sản xuất và công nghiệp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bởi vậy các DN rất cần truyền cảm hứng, niềm tin và đặc biệt “điểm tựa” từ Đảng, Chính phủ. Cũng theo ông Lê Phước Vũ, “đế chế” Nokia đã suy giảm nghiêm trọng kể từ khi có hãng Apple, Nokia đã từng là nhà sản xuất công nghiệp điện thoại di động lớn nhất thế giới nhưng chỉ một bước đi sai lầm trong chiến lược, sự chậm trễ trong đổi mới công nghệ đã khiến “người khổng lồ” bị thua đau trong cuộc cạnh tranh với các nhà sản xuất di động đến từ các quốc gia khác.
Sản xuất cửa cuốn tại Công ty Austdoor.  	Ảnh:  Việt Linh
Sản xuất cửa cuốn tại Công ty Austdoor. Ảnh: Việt Linh
Còn ở Việt Nam, câu chuyện về ngành hàng bán lẻ đang bị tấn công mạnh bởi các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan được ông Vũ nhắc lại như một ví dụ cho thấy, các DN sản xuất và thương mại trong nước đang phải đối mặt với nguy cơ mất thị trường nếu không có sự hỗ trợ hợp lý từ Chính phủ.

Đánh giá về môi trường kinh doanh, đại diện Tôn Hoa Sen cho rằng, trong một nền kinh tế hội nhập, không nên phân biệt DN tư nhân và DN Nhà nước, mà thay vào đó là khái niệm “DN Việt Nam” và “DN FDI”. Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để cả hai cùng phát triển. “Nền kinh tế Việt Nam như một cơ thể, khu vực DN Việt Nam là chân phải, còn DN FDI là chân trái. Nền kinh tế chỉ có thể phát triển vững vàng khi cả hai chân cùng bước đi cân bằng, nhưng theo tôi thấy thì hiện nay chân phải kém hơn chân trái” – ông Vũ so sánh.

Cùng chung mối lo ngại, ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI dẫn lại số liệu trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2016 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 3/2016 cho thấy, chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng xuất khẩu, tỷ lệ này khá thấp so với con số gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Việt Nam cũng chỉ có 21% DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đẩy mạnh liên kết

Trước sự cạnh tranh khốc liệt, đại diện Tôn Hoa Sen cho rằng, bên cạnh nỗ lực tự thân của DN, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư cần có những hỗ trợ thiết thực giúp DN công nghiệp tận dụng tối đa cơ hội mà quá trình hội nhập kinh tế mang lại. “Bản thân Tôn Hoa Sen và các DN ngành tôn, thép rất cần sự hỗ trợ của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) trong việc tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo chuyên sâu về phòng vệ thương mại, pháp luật cạnh tranh của các nước; đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ DN xuất khẩu trong các vụ kiện phòng vệ thương mại” – ông Vũ kiến nghị.

Chia sẻ từ góc độ chuyên gia, ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đề xuất xây dựng một liên đoàn các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam để gia tăng sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp trong nước. Hiện nay các nhà công nghiệp đã liên kết với nhau ở cấp độ quốc gia và đa quốc gia để tạo nên những tập đoàn quốc gia và đa quốc gia cực mạnh. Ví dụ như 4 tập đoàn lớn của Hàn Quốc chiếm tới 60% GDP. Liên minh này sẽ tạo ra thị trường cho nhau, tập trung được nguồn vốn, nguồn lực, nâng cao được khả năng nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, tăng khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Để hình thành liên minh tương tự này, cần liên minh các hiệp hội ngành hàng nhỏ lẻ này thành liên minh các nhà sản xuất công nghiệp. Hiện nay mỗi lĩnh vực sản xuất đều có một hiệp hội, ngành nào biết ngành ấy vì thế chưa hình thành một liên kết chuỗi. Nhưng trước tiên cần phải có chủ trương nhất quán từ Đảng và Chính phủ, bên cạnh đó luật đầu tư phải đảm bảo để DN đầu tư trong nước và nước ngoài được đối xử bình đẳng, tạo niềm tin và sự khích lệ cần thiết đối với các DN.