Sáng kiến tiết kiệm tiền tỷ cho đơn vị

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng tạo và yêu lao động, từ khi gia nhập Xí nghiệp Bao bì Vĩnh Tuy, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1978), công nhân dệt bậc 2/5 đã từng bước cho ra đời những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đem lại lợi ích thiết thực cho công ty.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai bảo, là công nhân trực tiếp sản xuất vỏ bao xi măng KPK và làm việc tại tổ dệt, tức là tổ tạo ra mảnh vải dệt vỏ bao bằng nhựa PP, chị nhận thấy máy thuộc tổ mình ngày một kêu to hơn, bụi dày hơn, vận hành khó hơn, sợi đứt cũng nhiều hơn. Xác định nguyên nhân là do dầu Silicon của máy lâu ngày đã cạn mà dầu này phải mua tận nước ngoài, giá lại thành đắt lại. Từ đó, chị quyết tâm tìm giải pháp "chữa bệnh" cho máy. “Tôi đã mạnh dạn nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần và tìm ra tỷ lệ thích hợp cho dầu Emersol với nước 1% là dung dịch thay thế dầu Silicon” - chị nói. Kết quả rất khả quan, các máy dệt sử dụng tốt, giảm tần suất đứt sợi, từ 30 lần xuống còn 20 lần/ca và quan trọng là dầu Emerson rất dễ mua, pha chế và dễ sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai tại lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017.

Rồi những ý tưởng mới cứ tiếp nối nhau ra đời. Năm 2014, trong quá trình làm việc, chị Mai nhận thấy phế phẩm của xí nghiệp khá nhiều. Giải pháp "Cải tiến quy trình đánh dấu sản phẩm công đoạn dệt" được đưa ra, giúp kiểm soát được các kíp sản xuất; kiểm soát sản lượng và chất lượng sản phẩm của từng công nhân dệt.

Vốn là một người tinh tế, hay quan sát và suy ngẫm về những gì mình nhìn thấy, trong quá trình sản xuất, chị Mai nhận thấy bề rộng sợi và mật độ sợi chưa hợp lý dẫn đến hiện tượng vỏ bao thành phẩm bị bục, rách. Năm 2015, chị tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và có sáng kiến chỉnh kích thước sợi vải và bố trí lại sợi vải dệt hợp lý. Sáng kiến này không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà còn giảm tiêu hao vật tư, khoảng 50kg nhựa/ca, lượng phế cũng giảm từ 5 - 8kg/ca còn 2 - 4kg/ca. Theo đánh giá, giải pháp này giúp cho xí nghiệp tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng/ca và khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm chi phí sản xuất. Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, chị còn có sáng kiến "Nghiên cứu chêm chốt an toàn của cuộn vải dệt”. Nhờ sáng kiến này mà cuộn vải dệt được giữ cố định, không bị rơi làm mất an toàn cho lao động trong quá trình sản xuất.

12 năm trực tiếp sản xuất, công việc của chị Mai vẫn là se những sợi nhựa PP trong dây chuyền để tạo ra vỏ bao xi măng Vicem Hoàng Thạch, nhưng nhìn vào sợi nhiều sắc màu, làm việc trong bầu không khí trong lành, ít bụi, ít tiếng ồn, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, chị thêm yêu và gắn bó với công việc. Và chị cũng luôn trăn trở để tiếp tục có những sáng kiến giúp công nhân làm việc hiệu quả hơn, có thêm thời gian dành cho gia đình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần