43 sáng kiến làm lợi hơn 260 tỷ đồng
Năm 2019, phong trào “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” được nhiều đơn vị tổ chức tốt, với nhiều điển hình nổi bật như: Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Ngành Công Thương; huyện Gia Lâm; quận Cầu Giấy; quận Nam Từ Liêm...
Đối với cấp cơ sở, khối các DN liên doanh với nước ngoài, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tổ chức triển khai thực hiện phong trào tốt nhất và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm có giá trị cao. Tiêu biểu như: Công ty TNHH Điện tử Stanley Việt Nam, Công ty TNHH Lixil VN, Công ty TNHH Phụ tùng Xe máy - Ô tô Goshi Thăng Long, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam…
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng cho biết, năm 2019, toàn TP đã có 30.208 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLĐ” cấp cơ sở; 1.150 cá nhân cấp trên cơ sở. Từ đó, LĐLĐ TP quyết định công nhận và khen thưởng “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” cho 47 cá nhân. Trong đó có 43 sáng kiến thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh làm lợi hơn 262 tỷ đồng; Có 3 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, giáo dục, y tế đã được áp dụng trong phạm vi toàn TP mang lại hiệu quả, được các cơ quan chuyên môn đánh giá cao.
Đặc biệt, sáng kiến trong CNVCLĐ khối sản xuất kinh doanh, khu vực ngoài Nhà nước và DN FDI ngày càng tăng, đây là hoạt động thiết thực của tổ chức Công đoàn Thủ đô hưởng ứng cuộc vận động “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững đất nước”.
Điển hình là sáng kiến cải tiến phương pháp sản xuất của công nhân Đàm Ngọc Hoàn -Công ty TNHH Canon Việt Nam. Anh Hoàn đã cùng nhóm cải tiến nghiên cứu đưa ra sáng kiến cắt giảm diện tích dây chuyền từ 2.3m x 33m xuống còn 2m x 33m, từ đó có diện tích xây dựng thêm 3 dây chuyền mới và sản xuất được 1.008.120 sản phẩm/năm, làm lợi cho công ty hơn 141 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, sáng kiến “Ứng dụng PULY cẩu hạ lồng thép cho cọc khoan nhồi, tường vây” của kỹ sư Phạm Thanh Tâm - Công ty CP FECON (LĐLĐ quận Nam Từ Liêm) đã giúp thiết kế cẩu hạ lồng dài hơn so với các dự án thường làm, đảm bảo an toàn lao động, kỹ thuật theo yêu cầu nghiêm ngặt của dự án. Sáng kiến này đã làm lợi lợi cho công ty trên 49 tỷ đồng/năm.
Hay sáng kiến “Thay đổi công nghệ thấm Nitơ để cải tiến chống gỉ sản phẩm” của công nhân Trương Hữu Hảo - Công ty CP Xích líp Đông Anh (thuộc Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội). Việc cải tiến công nghệ thấm Nitơ có giá trị làm lợi 860 triệu đồng/ năm.
Nhân rộng các điển hình
Có thể thấy, các cấp chính quyền và công đoàn đã quan tâm, chú trọng đến các điển hình là những CNLĐ trực tiếp sản xuất. Đây chính là nguồn động viên, cổ vũ kịp thời, giúp CNLĐ tích cực lao động sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Song, một số cơ quan, đơn vị, DN, tổ chức Công đoàn và một bộ phận CNLĐ còn chưa thấy hết được tác dụng của phong trào này đối với sự phát triển sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng, trong thời gian tới, Công đoàn các cấp sẽ quan tâm chú trọng đến khen thưởng động viên những CNLĐ trực tiếp phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc, góp phần giảm nhẹ sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hướng các phong trào thi đua về cơ sở với phương châm hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Đặc biệt là quan tâm động viên phát huy những sáng kiến, cải tiến nhỏ trong sản xuất để thu hút đông đảo CNVCLĐ tích cực tham gia.