Sáng mai (25/9), tọa đàm trực tuyến "Kinh tế Hà Nội -70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững"

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm làm sáng tỏ hành trình phát triển kinh tế bền vững, vượt bậc của Hà Nội, ngày 25/9, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở TT&TT, Học viện Báo chí & Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”.

Đây là sự kiện ý nghĩa của Báo Kinh tế & Đô thị trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Hà Nội - trái tim của cả nước, không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là đầu tàu kinh tế, đóng góp to lớn vào sự phát triển của Việt Nam. Trong 70 năm qua, kinh tế Thủ đô đã có những dấu mốc phát triển quan trọng.

Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, giải phóng Thủ đô. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của Nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế.

70 năm qua, Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Trong nhiều năm, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. 6 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8% (cùng kỳ giảm 2,7%); vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,55% (cùng kỳ tăng 9,0%).

Bên cạnh đó, Hà Nội gương mẫu đi đầu cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu cho Hà Nội về tốc độ tăng trưởng GRDP, với kỳ vọng đến năm 2025 sẽ cao hơn mức trung bình của cả nước, và đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người sẽ đạt trên 36.000 USD. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi cả chính quyền và người dân Thủ đô phải nỗ lực không ngừng, phát huy sáng tạo để đạt được sự phát triển bền vững.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh minh họa
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh minh họa

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 25/9, Báo Kinh tế và Đô thị, Sở Thông tin và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững” với sự tham gia của các chuyên gia, học giả kinh tế và các nhà quản lý cũng là nhằm góp phần làm rõ những vấn đề Hà Nội cần giải quyết và đề xuất các giải pháp để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các Sở, ngành thành phố: Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Khoa học & Công nghệ. Đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia kinh tế uy tín và đại diện một số Hiệp hội, doanh nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp sẽ trao đổi nhiều vấn đề xung quanh việc xây dựng một nền kinh tế Hà Nội không chỉ tăng trưởng mà còn bền vững, tuần hoàn và hài hòa với môi trường. Những giải pháp trước mắt và lâu dài để Hà Nội đạt được các mục tiêu phát triển mà vẫn bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu...

Theo Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức, Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) là một công cụ pháp lý vô cùng quan trọng. Đây là nền tảng để Hà Nội khai thác tốt hơn nữa tiềm năng, tạo nên những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Thông qua tọa đàm, Báo Kinh tế & Đô thị mong muốn các chuyên gia, diễn giả cùng thảo luận, đưa ra những góc nhìn đa chiều, giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế số, phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng những mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn) phù hợp với xu hướng quốc tế, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô.

Ngoài ra các diễn giả, khách mời tham gia trực tiếp trên Báo Kinh tế & Đô thị, mời quý vị độc giả có thể theo dõi tọa đàm trực tuyến qua các nền tảng điện tử của báo Kinh tế & Đô thị gồm: kinhtedothi.vn, phapluatxahoi.kinhtedothi.vn, tieudung.kinhtedothi.vn, diendandothi.kinhtedothi.vn, giaothonghanoi.kinhtedothi.vn, thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn…