Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025):
Sáng mãi tinh thần của ngọn lửa "Ba sẵn sàng"
Kinhtedothi - Trong những năm tháng cả nước sục sôi chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng" do Thành đoàn Hà Nội phát động, hàng nghìn thanh niên từ Thủ đô Hà Nội đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ.
Lan tỏa khí thế từ đất thiêng Thăng Long
Theo các tư liệu lịch sử, năm 1964, khi tuổi trẻ và Nhân dân miền Bắc đang hăng say lao động sản xuất, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện cho cuộc kháng chiến của miền Nam, đế quốc Mỹ đã đem quân đánh phá miền Bắc nước ta bằng việc dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ". Trước tình thế đó, nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc lúc này nặng nề và khó khăn hơn bất cứ lúc nào: một mặt, phải trực tiếp đối đầu với bom đạn của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, mặt khác, vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa bảo đảm chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Hưởng ứng phong trào "Ba Sẵn sàng", lớp lớp thanh niên đã tình nguyện xung phong tham gia kháng chiến - Ảnh: TTXVN
Đêm 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội họp bất thường, quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên Thủ đô với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
Ngay sau khi Thành đoàn Hà Nội phát động, tối 9/8/1964, phong trào chính thức được phát động tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố. Khoảng 500 đoàn viên, hơn 20.000 thanh niên đã tập trung ngoài phố, giương cao khẩu hiệu "Ba sẵn sàng". Đồng thời, hưởng ứng lời hiệu triệu "Ba sẵn sàng", hơn 8.000 thanh niên Thủ đô từ sinh viên, học sinh, nông dân, công nhân đến kỹ sư, bác sĩ đã viết đơn tình nguyện, xung phong ra trận.
Sau hơn một tháng Thành đoàn Hà Nội phát động, đã có hơn 1,5 triệu nam, nữ thanh niên ghi tên tham gia phong trào và tình nguyện đăng ký “Ba sẵn sàng”. Từ đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào "Ba sẵn sàng" đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ.
Đến tháng 3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng" với những nội dung được bổ sung và nâng cao. Phong trào "Ba sẵn sàng" gồm cả chiến đấu, sản xuất, học tập, xây dựng cuộc sống. Kể từ đó, "Ba sẵn sàng" đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô và tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ XX; tạo nên một đội quân tình nguyện đông đảo nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Tiếp bước cha anh xông pha vào tuyến lửa
Góp mặt trong đoàn quân tình nguyện ra chiến trường năm 1965 có cô gái Dương Thị Vịn (sinh năm 1943, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội) khi đó mới tròn 22 tuổi. Khi đó, bà đã thi đỗ trường sư phạm nhưng theo tiếng gọi của Đoàn, cô gái nhà ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đã "xếp bút nghiên", chia tay gia đình, nhận nhiệm vụ lên đường cùng 1.500 thanh niên tham gia Đội N43 (đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô Hà Nội).
Nhớ lại những tháng ngày sôi nổi, bà Vịn cho biết, cũng như nhiều chi đoàn, Đội N43 nhiều đêm tổ chức hành quân “Ba sẵn sàng”, vai khoác ba lô điểm lá ngụy trang đi khắp các đường phố của Thủ đô, hô vang khẩu hiệu “Ba sẵn sàng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...
Đội N43 có nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống trải dài ở tuyến lửa khu bốn gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Anh chị em trong Đội N43 đa số còn rất trẻ, mới rời ghế nhà trường, người vừa được gọi đi học nước ngoài, người mới kết hôn, tất cả đều xung phong lên đường.
"Những ngày ấy, không khí rất sôi động, ai ở lứa tuổi thanh niên cũng mong ước được ra chiến trường để góp sức mình cho đất nước. Bom đạn không khuất phục được ý chí, tinh thần của thế hệ thanh niên lúc ấy. Chúng tôi ngày đêm mở đường, san lấp hố bom cho các đoàn quân tiến ra chiến trường...” - bà Vịn bồi hồi nhớ lại.
Tự hào là một trong những thanh niên Hà Nội đầu tiên lên đường theo tiếng gọi phong trào “Ba sẵn sàng”, ông Hàn Tiến Nhâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội chia sẻ, ngay sau khi phong trào “Ba sẵn sàng” được phát động, Hà Nội thông báo tuyển thanh niên tình nguyện mở đường 13C (đây là con đường giao thông chiến lược Yên Bái - Lào Cai phục vụ cho cuộc chống Mỹ cứu nước). Lúc đó, vừa học xong lớp 10 (hệ 10 năm) chàng trai Hà Nội cũng quyết định gác bút nghiên lên đường.

Trong khí thế sục sôi của phong trào “Ba sẵn sàng”, hàng nghìn chàng trai, cô gái của Thủ đô Hà Nội đã lên đường tiếp bước cha anh xông pha vào tuyến lửa Khu 4. Họ đã có mặt ở hầu hết các tuyến đường, trọng điểm gian khổ, ác liệt, nguy hiểm của 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (bến phà Long Đại, Khe Ve, Khe Tang, Đường 7, Đường 20 Quyết thắng…) với nhiệm vụ chủ yếu là mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông thông suốt.
Với quyết tâm “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, thanh niên xung phong Hà Nội đã hăng hái thi đua, có mặt trên tất cả các chiến trường ác liệt và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Đã hơn 60 năm trôi qua, lớp lớp thanh niên Thủ đô vẫn luôn kế thừa, nối tiếp truyền thống “Ba Sẵn sàng” và các phong trào yêu nước của tuổi trẻ. Đoàn Thanh niên TP Hà Nội đã phát động và triển khai các phong trào hành động cách mạng: “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Tôi yêu Hà Nội”… nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng Thủ đô và bảo vệ Tổ quốc.
Trích dẫn
Tuổi trẻ Thủ đô luôn ý thức được rằng, mỗi giai đoạn phát triển của Thủ đô và đất nước đòi hỏi tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp phải luôn làm mới mình, bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu của thanh niên. Tổ chức Đoàn Thanh niên TP và mỗi đoàn viên, thanh niên Thủ đô luôn khẳng định trách nhiệm đối với Tổ quốc, tình yêu đối với Hà Nội bằng khát vọng lớn và thông qua những hành động cụ thể, thiết thực.
Đồng thời, Đoàn thanh niên TP luôn phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Trung ương, thành phố; vững vàng “tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết.

Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư: khuyến khích phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ
Kinhtedothi - Sáng 22/4, Thành đoàn Hà Nội tổ chức Ngày hội quảng bá sản phẩm và kết nối đầu tư; phát động cuộc thi Sản phẩm Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số Thủ đô (Sao Kim 2025).