Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáng nay (20/5), khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 20/5/2019, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 7 tại Thủ đô Hà Nội.

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội, các vị ĐB Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, tổ chức tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội.

Từ 07 giờ 15, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, bắt đầu từ 08 giờ 00, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp và  09 giờ 00, Quốc hội họp phiên khai mạc tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước cùng theo dõi.

 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Quochoi.vn

Tập trung cho xây dựng pháp luật

Trước đó, tại phiên họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV hôm 17/5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày (không kể ngày nghỉ); phiên khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 14/6. Dự kiến, sẽ có 10 buổi họp trong chương trình kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp (chiếm tỷ lệ 25% tổng thời gian kỳ họp).

Đây là kỳ họp giữa năm nên trọng tâm tập trung cho vấn đề lập pháp, dành thời gian 12/20 ngày, chiếm 60% tổng thời gian kỳ họp cho nội dung này. Cụ thể, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật và 2 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày), trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. 

Liên quan đến đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển về việc Quốc hội nên ra nghị quyết để xử lý nghiêm được tình trạng lái xe uống rượu bia gây tai nạn; Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận thực tế xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế uống rượu bia gây ra nhưng hình thức, mức xử phạt lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Tới đây, Quốc hội sẽ bàn về việc này và có thể ban hành nghị quyết riêng hoặc chung để có hình thức xử lý ngay tình trạng tài xế uống rượu bia lái xe.

 Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi Họp báo.

Liên quan đến dự án Luật đơn vị hành chính –kinh tế đặc biệt (còn gọi là Luật về đặc khu) không có trong nội dung chương trình xây dựng luật và pháp luật năm 2020; ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại cuối kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2018), Quốc hội đã có Nghị quyết lùi Luật về đặc khu cho ý kiến vào kỳ họp sau. Cụ thể, thời điểm đó, Quốc hội đã giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị ĐB Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật về đặc khu, hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. Điều đó có nghĩa là khi nào chín muồi, dự Luật đủ điều kiện thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội.

Mặt khác, kỳ họp này, Quốc hội sẽ lần đầu triển khai thí điểm việc sử dụng phần mềm ứng dụng dành cho các ĐB Quốc hội. Theo đó, các ĐB có thể tiếp cận các tài liệu, thông tin phục vụ kỳ họp, lịch làm việc, vị trí chỗ ngồi… ngay trên các thiết bị thông minh như điện thoại di động. Quốc hội cũng sẽ cải tiến việc lấy ý kiến các ĐB Quốc hội, thay vì gửi văn bản giấy sẽ gửi bản điện tử, qua đó giúp việc lấy ý kiến chính xác hơn, nhanh chóng, thuận tiện, nhất là trong việc tổng hợp các ý kiến ĐB Quốc hội phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật.

Nhiều điểm mới

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các Đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự phục vụ Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề. Phiên họp thảo luận về nội dung này tuy không được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhưng là phiên thảo luận mở, các phóng viên báo chí được trực tiếp theo dõi, đưa tin tại Trung tâm Báo chí kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.

Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến vấn đề chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: “Như theo quy định trong luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân hình thức chất vấn tại kỳ họp thứ 6 vừa qua đó là mời tất cả các thành viên Chính phủ trả lời khi các đại biểu có hỏi về những nội dung xem xét việc thực hiện nghị quyết chất vấn của các thành viên Chính phủ…

Kỳ họp thứ 7 cũng chất vấn như thông lệ, trên cơ sở những vấn đề thực tiễn, những bức xúc, ý kiến của đại biểu quốc hội đề xuất những nhóm vấn đề và Quốc hội sẽ chọn ra 4 nhóm vấn đề, liên quan đến thành viên Chính phủ nào thì thành viên Chính phủ đó sẽ trả lời trước Quốc hội. Sau đó, Quốc hội lại đưa ra nghị quyết về chính vấn đề đó, để làm sao cuối nhiệm kỳ, tiếp tục chất vấn lại việc thực hiện vấn đề đó, nếu không xong thì kỳ sau vẫn tiếp tục chất vấn, đến khi nào xong thì thôi”.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phỉ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).