Sáng nay (14/4), Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Phiên khai mạc dự kiến sẽ có bài phát biểu của lãnh đạo hai nước: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (video); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng; ông Jean-Paul Guihaumé, Đại sứ đặc trách Ngoại vụ địa phương, Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp; ông Jean-Claude Dardelet, Phó Thị trưởng Toulouse, Ủy viên điều hành Hiệp hội các địa phương Pháp (kết hợp video thông điệp của Thị trưởng thành phố Dijon, Chủ tịch Hiệp hội các địa phương Pháp Franҫois Rebsamen gửi tới hội nghị; bà Catherine Deroche, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Pháp, đại diện của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Trưởng Đoàn chính thức của Pháp.
Tiếp đó, hội nghị sẽ nghe tham luận về quan hệ Việt Nam-Pháp, tăng cường hợp tác cấp địa phương Việt-Pháp; vai trò của các địa phương trong việc ứng phó, chống chịu và phục hồi sau các cuộc khủng hoảng về y tế và kinh tế; thời cơ, thách thức, những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội báo cáo chung về tình hình hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp. Đại diệnThành phố Toulouse điểm lại kết quả Hội nghị lần thứ 11, vai trò của cơ chế hợp tác phi tập trung.
Các tham luận khẳng định hợp tác địa phương nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước những cuộc khủng hoảng, là một trong những động lực phục hồi phát triển kinh tế và giao lưu trao đổi giữa hai đất nước. Trong đó, điểm nhấn là phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19; y tế cộng đồng và quản trị các cuộc khủng hoảng về y tế.
Phiên làm việc buổi chiều gồm 4 hội thảo.
Về “Đô thị bền vững,” hội thảo bàn về quy hoạch và quản lý đô thị, giao thông công cộng, các vấn đề đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Về “Văn hóa, Di sản và Du lịch,” các diễn giả chia sẻ về lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản (vật thể và phi vật thể), phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, hợp tác phát triển du lịch.
Phiên “Môi trường, Nước và Xử lý nước” là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực: bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, chống biến đổi khí hậu, xử lý rác thải, nước thải, cung cấp nước sạch, giảm thiểu, tái chế rác thải, kinh tế tuần hoàn…
Về “Thành phố thông minh - số hóa”, nội dung thảo luận xoay quanh việc chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị địa phương, sử dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), công nghệ thông tin… để tối ưu hóa hiệu quả dịch vụ công của thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.