70 năm giải phóng Thủ đô

Sáng tạo, linh hoạt huy động sức dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tại một số địa phương, do thiếu nguồn vốn đầu tư trong triển khai các công trình, dự án, nên tiến độ thực hiện chương trình này chậm.

Vì vậy, thời gian tới, cần có những giải pháp tháo gỡ đẩy nhanh và tạo cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chương trình này. 

Loay hoay tìm vốn

Huyện Quốc Oai có 8 xã đăng ký triển khai xây dựng NTM giai đoạn 1 (2011 - 2015). Đến nay, cả 8 xã đã được duyệt xong quy hoạch, riêng xã điểm Nghĩa Hương đạt 13/19 tiêu chí NTM. Ông Đỗ Văn Quang, Bí thư Huyện ủy Quốc Oai băn khoăn, từ nay đến hết năm 2012, Nghĩa Hương chỉ có khả năng đạt thêm 1 - 2 tiêu chí, còn 4 tiêu chí về hạ tầng rất khó hoàn thành do thiếu nguồn vốn.

Theo thống kê, vốn đóng góp từ người dân, doanh nghiệp của xã Nghĩa Hương chỉ được hơn 500 triệu đồng. Trong khi đó, tính đến hết tháng 9/2012, thu ngân sách trên địa bàn Quốc Oai mới đạt 20% kế hoạch năm nên huyện chỉ bố trí được 5 tỷ đồng cho xã điểm Nghĩa Hương xây dựng NTM.

Sáng tạo, linh hoạt huy động sức dân - Ảnh 1

Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn tại xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm.Ảnh: Quang Thiện

Tương tự, trong số 7 tiêu chí chưa đạt của xã Sơn Đông, xã điểm NTM của thị xã Sơn Tây, đa số đều cần nguồn vốn đầu tư lớn như thủy lợi, điện, chợ, cơ sở vật chất văn hóa... Ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây chia sẻ, theo đề án xây dựng NTM xã Sơn Đông, tổng vốn được thành phố phê duyệt là 264 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 9%, thị xã 18%, xã 19,6%, lồng ghép 30,5%, dân đóng góp 10,1%, doanh nghiệp 9,4%. Tuy nhiên, đến ngày 30/9, nguồn vốn dân đóng góp mới đạt 0,5 tỷ (1,9%). Trong khi đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02/CTr-TU thành phố, việc lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung nguồn lực xây dựng NTM đối với xã điểm còn chậm và thiếu đồng bộ. Tính đến 20/9, tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM toàn thành phố đạt 4.602 tỷ đồng, trong đó vốn do doanh nghiệp đóng góp mới chỉ đạt 15%, dân đóng góp 5%, còn lại chủ yếu từ ngân sách.

Linh hoạt huy động nguồn lực

Tính đến hết tháng 9/2012, tổng giá trị khối lượng thực hiện của các xã điểm NTM trên địa bàn thành phố đạt 2.119 tỷ đồng, tổng kinh phí giải ngân là 1.324 tỷ đồng (chiếm 62,5%).

Để huy động tốt nguồn lực, giải quyết khó khăn về vốn xây dựng NTM, đòi hỏi các địa phương cần chủ động, linh hoạt với nhiều phương pháp. Trong thời gian qua, một số địa phương đã có cách làm sáng tạo, như 100 % các xã của huyện Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm đã tổ chức lễ phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", các thôn của từng xã tham gia ký cam kết xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện Từ Liêm còn xây dựng một đề án chung sức xây dựng NTM với kinh phí 2,5 tỷ đồng để làm công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM. Qua đó bước đầu nhân dân trên địa bàn huyện đã đóng góp được hơn 53 tỷ đồng.

Còn tại huyện Chương Mỹ, ông Trần Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, huyện đã chỉ đạo các xã triển khai công bố quy hoạch NTM gắn với phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM. Do đó, trong năm 2012 ít nhất mỗi xã cũng nhận được 100 triệu đồng do doanh nghiệp ủng hộ. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các xã linh hoạt trong cách làm. Chẳng hạn, có dự án làm đường giao thông nông thôn dài 3,6km, trong đó thành phố cấp kinh phí xây dựng, nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng mất khoảng 14 tỷ. Xã đã vận động nhân dân tự thỏa thuận đổi đất công nên giảm được 10 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp xây dựng NTM. Trong đó, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, dồn sức hoàn thành 19 xã điểm NTM của T.Ư, thành phố, huyện. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các xã, huyện, nhất là về chính sách hỗ trợ vốn và đấu giá đất xen kẹt.