Sanofi bất ngờ ngừng phát triển vaccine công nghệ mRNA ngừa Covid-19

Nguyễn Phương (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng dược phẩm Pháp Sanofi thông báo sẽ dừng hoạt động nghiên cứu vaccine mRNA chống Covid-19 khi thừa nhận họ không bắt kịp các đối thủ về khâu sản xuất.

Sanofi cho biết, vaccine sử dụng ARN thông tin (mRNA) có kết quả tốt qua các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và hai, nhưng hãng sẽ không tiến hành khâu thử nghiệm cuối cùng.
 Sanofi vừa thông báo ngừng phát triển vaccine công nghệ mRNA ngừa Covid-19. Ảnh: Getty
Thay vào đó, Sanofi sẽ sử dụng công nghệ mRNA cho vaccine chống lại các mầm bệnh khác, đồng thời tập trung vào loại vaccine hãng phát triển cùng nhà sản xuất GlaxoSmithKline (GSK) của Anh. Loại này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người, dự kiến ​có kết quả vào cuối năm 2021.
"Thay vì tạo ra một loại vaccine Covid-19 mRNA mới, nhu cầu hiện nay là trang bị cho Pháp và châu Âu một kho vaccine mRNA phòng những đại dịch tiếp theo và với các bệnh lý mới” - ông Thomas Triomphe, Phó chủ tịch Sanofi phụ trách phát triển vaccine, nói.
Theo thông báo của Sanofi, vaccine mRNA của hãng đã có kết quả khả quan trong giai đoạn một và hai.
Tuy nhiên, hãng dược phẩm Pháp quyết định dừng thử nghiệm giai đoạn ba vì cho rằng đã quá muộn để tham gia vào thị trường dự kiến có 12 tỷ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm nay.
Sanofi nói rằng sau 2 tuần tiêm liều thứ hai, kết quả ban đầu đối với vaccine mRNA cho thấy các kháng thể được tạo ra trên 91-100% người tham gia thử nghiệm. Vaccine Covid-19 của Sanofi chưa ghi nhận tác dụng phụ, đồng thời có đặc điểm tương đương với loại vaccine mRNA do Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển.
Hãng dược phẩm Pháp đã nghiên cứu trên lĩnh vực này từ tháng 3/2020 với Translate Bio - một công ty Mỹ chuyên về công nghệ mRNA. Sau đó, Sanofi đã mua lại công ty này với giá 2,7 tỷ euro vào đầu tháng 8.
Sanofi đã tiến hành các thử nghiệm mới cho vaccine cúm mùa và dự định bắt đầu nghiêm cứu lâm sàng vào năm 2022. "Chúng tôi có nền tảng mRNA đầy hứa hẹn. Công ty đang tiến tới cấp độ phát triển kế tiếp theo hướng điều chỉnh công nghệ mRNA để chống lại các bệnh khác, bao gồm cả bệnh cúm", Jean-Francois Toussaint – phụ trách bộ phận nghiên cứu và phát triển toàn cầu của Sanofi, cho hay.
Trước đó,  hồi tháng 7, hãng dược phẩm Đức BioNTech - đơn vị sản xuất vaccine mRNA với Pfizer - thông báo sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine sốt rét sử dụng công nghệ mRNA./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần