Sao Mai, tiền thân là Liên hoan tiếng hát Truyền hình toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997. Đêm chung kết được diễn ra tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ dưới sự dẫn dắt của MC Lại Văn Sâm, được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam. Đây là cuộc thi hát trên truyền hình đầu tiên tại Việt Nam, và mùa giải đó, nó mang lại tiếng vang rất lớn cho công chúng cũng như làng nhạc Việt.
Những gương mặt nổi trội của cuộc thi đã đạt được những giải thưởng cao quý: Thanh Sử (giải đặc biệt), Thanh Thúy và Lương Chí Cường đồng giải Nhất; Lâm Phương, Minh Lương, Hồng Hạnh, Trọng Hùng,… đồng giải Ba. Cuộc thi đã tạo ra được dấu ấn mạnh mẽ và trở thành sân chơi thu hút được hầu hết những giọng ca trẻ trên mọi miền Tổ quốc, cả chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Chính vì thế, năm 1999, Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc lần thứ 2 chứng kiến cuộc “đổ bộ” của hàng loạt những giọng ca cực kỳ hay, và họ, sau này đã trở thành những ca sĩ nổi tiếng và được coi là “lứa” Sao Mai thành công nhất cho đến tận bây giờ.
Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc lần 2 chứng kiến sự lên ngôi của “hiện tượng” Trọng Tấn – ca sĩ sau này trở thành “kiểu mẫu Sao Mai” cho rất nhiều thế hệ đàn em học tập và noi theo. Bên cạnh đó, cuộc thi lần này cũng là bệ phóng của rất nhiều gương mặt đình đám như Anh Thơ, Lan Anh, Hồ Quỳnh Hương, Lê Nam Khánh, Ái Liên, Trang Nhung, Ka Sim Hoàng Vũ, Lê Võ Phương Đài, Tô Minh Thắng, … Đây là những gương mặt đã thực sự tỏa sáng, trở thành những ngôi sao ca nhạc sau khi bước ra từ cuộc thi.
Đến mùa thứ 3 (được tổ chức vào năm 2001), Liên hoan Tiếng hát truyền hình chính thức được đổi tên thành giải Sao Mai. Và người đăng quang với cái tên Sao Mai đầu tiên chính là Phương Nga, giải nhì là Hồng Vy. Đây là hai giọng hát thính phòng nổi bật nhất của cuộc thi năm đó. Bên cạnh hai giọng hát nữ đầy cảm xúc này, các gương mặt khác cũng được chú ý như Lương Huy, Y Yang Tuyn, Vũ Tiến Lâm,…
Sao Mai đã có sự thay đổi lớn vào năm 2005, khi lần đầu tiên, cuộc thi này chia thành 3 dòng nhạc: Thính phòng, Dân gian, Nhạc nhẹ. Đã có khá nhiều “giấy mực” của báo chí tranh luận về tên gọi 3 dòng nhạc, cũng như có cần thiết phải tách ra ba thể loại như vậy không,… nhưng tựu chung lại, giới truyền thông và người hâm mộ đều ủng hộ sự phân loại này, và đặc biệt, các thí sinh là những người ủng hộ nhiều nhất, bởi trước nay, những thí sinh dòng nhạc dân gian và nhạc nhẹ luôn “ấm ức” vì bị dòng nhạc “chính thống” lấn lướt.
Năm 2013, lần đầu tiên Sao Mai được tổ chức vòng chung kết tại Hải Phòng. Đây cũng là mùa thi đầu tiên có yếu tố “nước ngoài”. Rất nhiều thí sinh Việt kiều ở các nước đã trở về Việt Nam tham dự vòng chung kết sau khi đã qua vòng tuyển chọn ở nước sở tại (do BTC ở Việt Nam cử BGK qua sơ tuyển). Và chính yếu tố nước ngoài ấy đã tạo nên một luồng sinh khí mới mẻ cho Sao Mai và quán quân dòng nhạc thính phòng năm đó đã thuộc về thí sinh Hồng Quân đến từ Pháp. Huyền Trang đăng quang giải Nhất dòng nhạc dân gian và Thanh Huyền – cô gái 18 tuổi đăng quang giải Nhất nhạc nhẹ. Đây cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất đăng quang ngôi vị quán quân trong lịch sử Sao Mai.
Năm nay, Sao Mai quay trở lại phố cảng Hải Phòng với nhiều sự đổi mới, hy vọng sẽ mang lại làn gió tươi mát cho cuộc thi, tạo được sức hút lớn đối với công chúng.
Năm nay, Sao Mai cũng nới rộng độ tuổi hơn, từ 18 đến 30 tuổi, vì 2 năm Covid-19, nhiều thí sinh chưa kịp đăng ký thi đã quá tuổi nếu theo quy chế cũ.
Ban tổ chức cho biết, năm nay, Sao Mai có nhiều đổi mới, không chỉ phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, cuộc thi sẽ có mặt trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tik tok…