Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp có báo cáo chi tiết các vụ gian lận về xuất xứ Việt Nam

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Hải quan đã điều tra và chuẩn bị báo cáo chi tiết các vụ gian lận về xuất xứ Việt Nam, kể cả các loại hàng nhập khẩu giả mạo hàng Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng.

Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan, trong đó có Tổng cục Hải quan xác minh việc Asanzo và các trường hợp tương tự nhập khẩu sản phẩm sản xuất ở nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam, làm rõ các vi phạm.
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành Tài chính diễn ra ngày 12/7, liên quan tới tình trạng hàng hoá vi phạm xuất xứ, “đội lốt” hàng hóa Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay: "Hiện chúng tôi đã điều tra và chuẩn bị báo cáo chi tiết các vụ gian lận về xuất xứ Việt Nam, kể cả là các loại hàng nhập khẩu giả mạo hàng Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng. Hay, các loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác vào Việt Nam, sau đó giả mạo, trà trộn vào hàng xuất khẩu của Việt Nam, lấy danh nghĩa là hàng Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài".
Đối với các mặt hàng gỗ, sắt thép, hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp gỗ trong nước khai thu mua nguyên liệu gỗ từ các hộ nông dân, các địa phương để chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ ra nước ngoài. Song theo điều tra của cơ quan hải quan lại không đúng như vậy.
"Thực tế là các địa phương đã ký khống cho các doanh nghiệp để họ có được giấy tờ đầu vào. Vậy nên, tôi đề nghị UBND các địa phương không thực hiện hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Khi các nước như Mỹ điều tra ngược lại về vấn đề truy xuất nguồn gốc thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ bị phạt và đánh thuế rất nặng", ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Gần đây, sản phẩm thép Việt Nam đã bị Mỹ áp mức thuế lên tới 456% cũng do liên quan đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ. Trên cơ sở đó, lãnh đạo ngành hải quan đề nghị các địa phương chỉ đạo, tiến hành kiểm tra, rà soát xuất xứ đầu vào các sản phẩm xuất nhập khẩu.
"Chúng tôi kiến nghị các bộ ngành cùng trao đổi cơ sở dữ liệu, đặc biệt hai cơ quan là Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, làm sao cùng hải quan quản lý các C/O xuất nhập khẩu", ông Nguyễn Văn Cẩn đề xuất.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan, trong đó có Tổng cục Hải quan khẩn trương xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất ở nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm, xử lý nghiêm theo pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế và các cơ quan liên quan rà soát việc thực hiện quản lý Nhà nước với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường.
Giao Tổng cục Thuế rà soát báo cáo về công tác quản lý thuế và các nội dung liên quan khác đối với Công ty cổ phần Điện tử Asanzo gửi Tổng cục Hải quan trước ngày 10/7/2019.