Trung tâm sẽ vận động, thu hút các công ty công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực ưu tiên thực hiện nghiên cứu, phát triển tại Trung tâm bằng cách cung cấp cho họ không gian làm việc đầy đủ và thuận lợi nhất có thể với dịch vụ trọn gói gồm logistics, lao động, pháp lý, hạ tầng... với chi phí thấp; kết nối và thu hút nhân tài trong và ngoài nước; hỗ trợ các doanh nhân, DN khởi nghiệp sáng tạo kết nối với các quỹ đầu tư, các DN lớn trong và ngoài nước để tiếp cận thị trường.
Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nhà máy thông minh, TP thông minh, truyền thông số, công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp môi trường.
Về địa điểm, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ được đầu tư xây dựng tại Khu nghiên cứu và phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích khoảng 23ha.
Không sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư xây dựng Trung tâm sẽ được huy động từ đóng góp của DN trong và ngoài nước dưới các hình thức thông qua xã hội hóa đầu tư.
Tổng vốn đầu tư cho công trình trụ sở khoảng 1.700 tỷ đồng với diện tích 82.000m2 với các phân khu chức năng chính gồm trung tâm dịch vụ tích hợp; không gian làm việc cho các công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước đặt văn phòng làm việc; không gian làm việc chung cho các doanh nhân và DN khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra còn có khu phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo nguyên mẫu, khu trưng bày sản phẩm và không gian sự kiện.
Với 5 lĩnh vực ưu tiên là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh và công nghệ môi trường, Trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy việc phát triển kinh tế đất nước về dài hạn.
Mục đích cuối cùng của Trung tâm là nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DN và nền kinh tế, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Trung tâm cũng được đánh giá là điểm nhấn trong chiến lược triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.