Sắp diễn ra "Hội nghị Diên Hồng" cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 20 năm vừa qua, sự trở về cũng như đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng nổi bật.

"Trong giai đoạn từ 1993-2023, lượng kiều hối theo thống kê chưa đầy đủ đạt 230 tỷ USD. Đây là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng góp phần phát triển đất nước,” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tại buổi gặp gỡ thông tin kết quả 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW hôm 3/6. 

Kim chỉ nam cho công tác NVNONN

Dẫn những con số ấn tượng khác, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thông tin, tính đến tháng 11/2023, doanh nhân, nhà đầu tư Việt Nam từ 32 quốc gia đã đóng góp vào 421 dự án tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam với trị giá lên tới 7,2 tỷ USD. "Thu hút đầu tư FDI ở những tỉnh có lượng đầu tư lớn như Bình Dương, Đồng Nai đều có dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài,” bà Hằng nói. 

Quang cảnh buổi gặp gỡ thông tin báo chí ngày 3/6. 
Quang cảnh buổi gặp gỡ thông tin báo chí ngày 3/6. 

Đó là một vài thông tin ấn tượng cho thấy thành quả sau 2 thập kỷ triển khai Nghị quyết 36 giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc triển khai công tác đối với NVNONN. 

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong triển khai Nghị quyết, về mặt pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, hoàn thiện trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng NVNONN như quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh theo hướng các quyền của cộng đồng NVNONN ngày càng tiệm cận gần hơn với công dân trong nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh...

Mặt khác, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đã đạt được những kết quả quan trọng. Kiều bào được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn…. Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức (như “Xuân Quê hương”, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào…).

Bên cạnh đó, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Đặc biệt, triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN tổ chức hoạt động tìm kiếm sứ giả tiếng Việt, hỗ trợ các hội đoàn tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho con em kiều bào...

Nhìn chung, có thể nói Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công  tác NVNONN đã tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác NVNONN được xây dựng trên nền tảng chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là NVNONN là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. 

Đây được coi là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương và xã hội trong triển khai công tác đối với NVNONN, theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng. 

"Hội nghị Diên Hồng" cho NVNONN

Thông tin về một trong những hoạt động tiêu biểu về NVNONN sắp tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, từ ngày 21-24/8 tới sẽ diễn ra Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài (HNVK4 và Diễn đàn) tại Hà Nội.

Hội nghị VK4 là cơ hội trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và phát triển đất nước và các nội dung về cộng đồng NVNONN. 

Với chủ đề "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, Hội nghị sẽ tăng cường kết nối doanh nhân, chuyên gia trí thức NVNONN với trong nước, nhất là các địa phương, doanh nghiệp và viện, cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng; thúc đẩy đầu tư của kiều bào cũng như kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Trong khi đó, Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước” sẽ tập trung trao đổi ý kiến về các xu thế phát triển của thế giới và khu vực thời gian tới (chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo…), thách thức và cơ hội đối với Việt Nam; phát huy nguồn lực của NVNONN trong công cuộc phát triển đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia. 

"Với tham vọng và nhiều mục tiêu đan cài trong sự kiện năm nay, tôi tin tưởng đây sẽ là “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài,” bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.