Phiên chợ sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My (Quảng Nam) sẽ bắt đầu từ ngày 1/5 và kéo dài đến hết ngày 3/5, với hơn 20 gian hàng của tổ chức, doanh nghiệp và hộ trồng sâm tham gia bày bán.
Ngoài sâm Ngọc Linh củ tươi, phiên chợ còn mang đến hơn 40 sản phẩm dược liệu các loại như chè dây, giảo cổ lam, khổ qua rừng, thất diệp nhất chi hoa… dưới dạng thô và OCOP.
Các xã trên địa bàn huyện Nam Trà My cũng mang đến nhiều mặt hàng nông sản của bà con dân tộc thiểu số như gạo đỏ, chuối rừng, rau lũi, rượu cần, cơm lam để du khách thưởng thức hoặc mua về làm quà.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có dự thảo đề án về tổ chức Lễ hội Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam lần thứ nhất năm 2023. Theo dự kiến, lễ hội với chủ đề “Sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam, kết nối giá trị và khẳng định thương hiệu Việt” sẽ được diễn ra trong xuyên suốt năm 2023, trong đó tập trung vào các ngày 1 đến 3/8.
Trước đó, vào tháng 8/2022, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Nam Trà My tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV năm 2022. Lễ hội đã thu hút hơn 21.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động. Lễ hội đã thu về 10 tỷ đồng; trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 63 kg, thu về gần 9,5 tỷ đồng.
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm, được xếp vào một trong bốn cây sâm quý nhất trên thế giới, đã được các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá rất cao không những về giá trị kinh tế, mà còn về công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Hiện nay, cây sâm Ngọc Linh được phân bổ nhiều nhất ở huyện Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam và các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei của tỉnh Kon Tum.
Đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ thống nhất phê duyệt. Công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả. Người dân tham gia tích cực vào công tác bảo vệ và phát triển rừng để trồng sâm Ngọc Linh, vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.