OTT ngoại thắng thế
Theo Báo cáo mới nhất của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), trong khi thị trường dịch vụ truyền hình truyền thống đang bão hòa thì dịch vụ truyền hình trả tiền, đặc biệt là OTT lại đang có sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn người dùng.
Cụ thể, nếu như tổng doanh thu của dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung cả năm 2022 đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, thì OTT đạt 1.550 tỷ đồng, số thuê bao đạt 5,5 triệu, tăng 26,2% so với 2017. Hiện đang có tổng số 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình dạng này trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo thống kê của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam thì 80% số doanh thu của mảng OTT nói trên là thuộc về các dịch vụ xuyên biên giới như Netflix (Mỹ), iFlix (Malaysia), WeTV, iQiYi (Trung Quốc),… Chỉ tính riêng Netflix, với khoảng 1,5 triệu người dùng Việt và chỉ một nửa trong số này trả phí mức thấp nhất là 108.000 đồng/tháng thì doanh thu đã rơi vào gần 1.100 tỷ đồng mỗi năm. Con số vượt trội so với toàn bộ doanh thu của các doanh nghiệp nội cộng lại.
Không chỉ thua kém về thị phần, doanh nghiệp OTT nội cũng đang phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh không bình đẳng trước OTT ngoại. Hiện OTT ngoại đang trong tình trạng 5 “không”: không có giấy phép, không có văn phòng đại diện, không kiểm duyệt nội dung, không đóng thuế và không tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo.
Cũng chính từ 5 “không” này mà các OTT có thể thoải mái “hút” người dùng bằng những nội dung nhạy cảm, thậm chí là cả vi phạm pháp luật. Trên các dịch vụ OTT ngoại đã không ít lần xuất hiện các quảng cáo cơ bạc, cá độ và mang lại nguồn thu lớn nhưng hành động này lại bị cấm triệt để đối với OTT nội. Cũng chính nhờ các khoản thu không hợp pháp trên, OTT ngoại sẵn sàng hạ giá thuê bao triệt để nhằm “đè bẹp” OTT nội.
Việc không kiểm soát triệt để OTT ngoại cũng dấy lên nhiều lo ngại về nội dung do các dịch vụ này cung cấp. Trong quá khứ cũng có nhiều trường hợp đáng tiếc như vậy, có thể kể đến như hồi tháng 10/2022, phim Little Women chiếu trên Netflix đã phải gỡ bỏ nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam khi gặp nhiều phản ứng từ người xem. Trước đó, các phim như: Pine Gap, Put your head on my shoulder, Madam Secretary,… đã bị phát hiện có nhiều hình ảnh sai trái về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Nói về việc kiểm soát cả về mặt tổ chức lẫn nội dung của các dịch vụ OTT xuyên biên giới, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho biết là khá khó khăn. Đơn cử, như khi Netflix có nội dung vi phạm thì Bộ TT&TT đã ngay lập tức gửi yêu cầu gỡ bỏ phim nhưng phải tới 3 ngày sau việc này mới được thực hiện.
"Ngay cả việc xử phạt vi phạm hành chính để các dịch vụ OTT ngoại không tái phạm cũng không thể thực hiện do họ không có tư cách pháp nhân ở Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Cần nhiều biện pháp cứng rắn hơn
Ở vai trò doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nội, Tổng giám đốc SCTV Trần Văn Úy cho rằng, đang có tình trạng bảo hộ ngược trong lĩnh vực này. Trong khi doanh nghiệp nội phải tuân thủ chặt chẽ pháp luật thì doanh nghiệp ngoại lại được thoải mái kinh doanh theo ý muốn, tiền làm ra lại đút tủi hết mà không phải đóng thuế.
Đặt OTT ngoại ngoài vòng quản lý không chỉ khiến nhà nước mất doanh thu qua thuế mà còn tạo ra hệ quả nghiêm trọng hơn là xuất hiện nguy cơ nội dung có vi phạm về thuần phong mỹ tục, pháp luật, thậm chí là xâm hại chủ quyền đất nước. Những sai phạm này đã xảy ra không ít lần trên các dịch vụ ngoại và trong tương lai cũng không có gì có thể khẳng định tình trạng này không tái diễn.
"Bên cạnh chế tài pháp lý, Việt Nam cũng cần có chế tài ngay cho cả phần cứng và ứng dụng của dịch vụ OTT ngoại. Hiện nay, trên nhiều TV được bán ra ở thị trường Việt, việc truy cập vào dịch vụ OTT ngoại như Netflix là rất dễ dàng, chỉ thông qua 1 nút bấm trên điều khiển. Nếu không kiểm soát được điều này, các dịch vụ OTT ngoại vẫn sẽ tiếp tục chơi theo 'luật' riêng", ông Trần Văn Úy chia sẻ.
Còn theo Tổng Giám đốc VieON Huỳnh Long Thủy, với việc OTT ngoại không phải đóng thuế như doanh nghiệp nội nên nguồn tài chính của họ sẽ rất dư dả. Từ đó, họ sẵn sàng đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm vượt qua các doanh nghiệp nội. Bên cạnh, OTT ngoại sẵn sàng ký độc quyền với đạo diễn, diễn viên nổi tiếng trong nước nhằm tạo ra lợi thế lớn ngay ở Việt Nam.
"Cũng đến từ yếu tố thua thiệt về kinh tế, nhiều đơn vị sản xuất nội dung trong nước sẵn sàng quay lưng với OTT nội và bán nội dung của mình cho OTT ngoại. Nhiều trường hợp, thậm chí OTT ngoại mua với giá thấp hơn nhưng do có cơ hội được quảng bá trên nền tảng xuyên biên giới nên họ vẫn được ưu tiên mua", ông Huỳnh Long Thủy chia sẻ.
Nói về tình trạng trên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Hà Yên cho biết, với việc Nghị định số 71/2022/NĐ-CP (Nghị định 71) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2023, thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam sẽ được sắp xếp lại, hoạt động sẽ quy củ hơn trước, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nội - ngoại.
Theo đó, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền ngoại phải có tư cách pháp nhân ngoại phải có tư cách pháp nhân ở Việt Nam. Doanh nghiệp ngoại phải hoạt động như doanh nghiệp nội và tuân theo pháp luật của Việt Nam. "Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông để chặn truy cập", ông Nguyễn Hà Yên nói.
Được biết, từ đầu năm 2023, đã có 5 nhà cung cấp OTT ngoại, 2 đến từ Mỹ và 3 đến từ Trung Quốc đang phối hợp với Bộ TT&TT làm thủ tục để hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Nhiều khả năng trong số này có Netflix, IQIYI hay WeTV. Đây được xem như một trong những điểm sáng hiếm hoi nhằm thanh lọc lại thị trường OTT Việt.