Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáp nhập ngân hàng: Quyền lợi người gửi tiền sẽ được bảo vệ?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc sáp nhập ngân hàng đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm, từ diễn đàn Quốc hội đến các cơ quan quản lý và cả người dân. Vậy đây có phải là thời điểm thuận lợi để sáp nhập ngân hàng? Tài sản và quyền lợi người gửi tiền có bị ảnh hưởng?...

Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, theo kinh nghiệm của một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng, đây có phải là thời điểm thuận lợi cho vấn đề sáp nhập ngân hàng?

 Tôi cho rằng, thời điểm hiện nay để tái cấu trúc ngân hàng đã là muộn, đáng lẽ ra, công việc này phải tiến hành cách đây từ 2 năm trước. Nhưng hiện nay, khi nền kinh tế đang có những khó khăn, chỉ số lạm phát cao, những biến động về thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán, doanh nghiệp phá sản... yêu cầu tái cấu trúc càng trở nên cấp thiết hơn và khó khăn trong việc sáp nhập ngân hàng cũng nhiều hơn. Thời điểm này, tôi cho rằng việc tái cấu trúc là muộn nhưng thà muộn còn hơn là không.

- Vậy khung pháp lý của chúng ta đã sẵn sàng cho việc sáp nhập này chưa?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định về vấn đề sáp nhập ngân hàng. Tuy nhiên, khung pháp lý của vẫn chưa thật hoàn chỉnh. Tôi cho rằng, hệ thống pháp lý của chúng ta cần bổ sung thêm đạo luật với những quy định cụ thể về vấn đề sáp nhập như cơ quan nào quản lý? Điều kiện sáp nhập; quyền lợi và nghĩa vụ của các bên; trường hợp có xung đột cần xử lý thế nào?... Đây là vấn đề cần làm khẩn trương để chúng ta có một khung pháp lý hoàn hảo trong việc thực hiện tái cấu trúc.

- Làm thế nào để có thể bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền khi tiến hành sáp nhập các ngân hàng, thưa ông?

Nếu một ngân hàng nhỏ sáp nhập vào ngân hàng lớn, có thể quyền lợi mà ngân hàng nhỏ dành cho khách hàng trước đây sẽ mất đi. Nhưng bù lại, chuyển sang ngân hàng mới, khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn, mạng lưới của ngân hàng mới cũng tốt hơn, nhiều hơn... Cho nên, trong vấn đề sáp nhập, có thể mang lại nhiều thuận lợi cho người gửi tiền. Còn tiền gửi của ngân hàng sẽ được chuyển sang ngân hàng mới, chứ không hề mất. Do vậy, nếu ngân hàng mình đang gửi tiền bị sáp nhập, khách hàng có thể yên tâm rằng quyền lợi của mình luôn được bảo đảm.

- Về phía cơ quan quản lý, cần có những động thái, chính sách gì để người dân yên tâm khi việc sáp nhập ngân hàng diễn ra, thưa ông?

Trước tiên, chúng ta cần có một đạo luật dành riêng cho việc sáp nhập, mua bán, giải thể ngân hàng. Ngoài ra, Quốc hội nên sớm ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, tôi mong rằng, Luật này sớm có hiệu lực và đi vào cuộc sống để bảo vệ cho người gửi tiền, nhất là trường hợp xấu nhất là ngân hàng sụp đổ. Khi đó, người dân cũng có thể yên tâm, tài sản của họ vẫn được bảo vệ.

Để không gây tâm lý hoang mang cho người dân trong quá trình sáp nhập ngân hàng, Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng nghĩa về việc sáp nhập ngân hàng là cách làm cho hệ thống ngân hàng mạnh hơn, an toàn hơn. NHNN cũng cần cho người dân biết tài sản của họ sẽ không bị ảnh hưởng khi các thương vụ sáp nhập diễn ra và nếu có dấu hiệu thiệt hại sẽ có sự can thiệp của NHNN bảo vệ quyền lợi người dân.

Hiện NHNN đang có những sự hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng đang trong "tầm ngắm", đây là điếu rất tốt khiến dư luận có thể yên tâm. Thời điểm cuối tháng 11, các ngân hàng chốt kết quả kinh doanh, sang tháng 12, các công ty kiểm toán sẽ bắt đầu vào kiểm toán ngân hàng để đưa ra báo cáo tài chính trong năm 2011. Đây là thời điểm các ngân hàng đang cố gắng để đưa đến những kết quả kinh doanh khả quan, báo cáo tài chính đẹp để trấn an dư luận, lấy niềm tin từ dân chúng. 

- Xin cảm ơn ông!