Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Không chủ quan, nóng vội

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP “Về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.
 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị. 
Thực hiện Thông tư số 14/2018/TT-BVN ngày 31/12/2018 của Bộ Nội vụ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án kiện toàn thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội. Dự kiến, toàn TP sẽ thực hiện sáp nhập 4.316 thôn, tổ dân phố; sau khi sáp nhập sẽ giảm 2.824 thôn, tổ dân phố.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị cơ bản ủng hộ về mặt chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố bởi đây là việc làm sát với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử mà Hà Nội đã đề ra. Việc sát nhập sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động của các thôn, tổ dân phố…Song, theo Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến, trong quá trình sát nhập thôn, tổ dân phố cần xem xét yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương và đặc biệt là sắp xếp, bố trí cán bộ ở thôn, tổ dân phố.
Với đặc thù là người trực tiếp hoạt động tại địa bàn dân cư, ông Nguyễn Thành Vĩnh - Trưởng ban CTMT KDC số 14, phường Hàng Buồn, quận Hoàn Kiếm cho rằng, cần thận trọng vì việc sát nhập này không thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều. “Mục tiêu của chúng ta không phải là giảm tổ dân phố mà mục tiêu là ổn định tình hình dân cư, nâng cao chất lượng hoạt động của thôn, tổ dân phố” – ông Vĩnh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, Hà Nội sẽ thực hiện đề án này một cách bài bản khoa học, phù hợp với thực tế, gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của khu dân cư trên tinh thần làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm ổn định về chính trị, an ninh trật tự. HĐND TP sẽ tiếp tục lắng nghe và sẽ tổ chức kỳ họp bất thường để bàn sâu về vấn đề này, địa phương nào chưa sẵn sàng cho việc sáp nhập sẽ lùi lại làm sau, không chủ quan, nóng vội…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và khẳng định, Mặt trận sẽ tổng hợp, báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy những nội dung mà người dân quan tâm đối với Đề án này và tổng hợp đầy đủ để trình HĐND TP, góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, khẳng định: Ủy ban MTTQ TP cơ bản ủng hộ về mặt chủ trương nhưng cũng lưu ý Đề án phải thật bảo đảm, đồng bộ giữa chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố thông minh, chính quyền điện tử cho nên khi thực hiện Đề án này thành phố cũng đã tính đến yếu tố lịch sử và chiều sâu về văn hóa, tâm linh, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Không chạy theo thành tích, làm đến đâu chắc đến đó. Nơi nào thuận thì làm trước. Nơi nào chưa đồng thuận thì sẽ làm sau.