Sắp triển khai dự án giai đoạn 2 Trung tâm nguồn lực CNTT&TT Việt Nam - Ấn Độ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước, dự án giai đoạn 2 Trung tâm nguồn lực CNTT&TT Việt Nam - Ấn Độ sắp được triển khai.

Sáng 10/11, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm có buổi làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma về việc thúc đẩy triển khai dự án giai đoạn 2, Trung tâm nguồn lực Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) Việt Nam - Ấn Độ.
 Toàn cảnh buổi làm việc giữa hai bên
Trước đây, Trung tâm nguồn lực CNTT&TT Việt Nam - Ấn Độ (ARC-ICT) là món quà ý nghĩa của Chính phủ Ấn Độ dành tặng Thủ đô Hà Nội từ năm 2011, nhằm cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước.
Đến nay, Trung tâm có 141 máy tính, 32 máy chủ... được phân bổ tại 6 phòng học (trong đó, có các phòng chính phủ điện tử, công nghệ web, công nghệ Java, phòng phần mềm...) và phòng thư viện với hơn 11.000 quyển sách. Tuy nhiên, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, hiện nay, nhiều máy móc, trang thiết bị của Trung tâm cần được nâng cấp để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Từ năm 2018, chuyên gia của Trung tâm điện toán cao cấp C-DAC (Ấn Độ) đã sang làm việc và khảo sát, thống nhất với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội về phương thức, nội dung đào tạo, hoạt động của Trung tâm ARC-ICT, với tư cách là trung tâm đào tạo ủy quyền của C-DAC. Phía C-DAC sẽ nâng cấp một phần cơ sở hạ tầng CNTT hiện tại của Trung tâm ARC-ICT, nhằm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.
Đại sứ Pranay Verma cho biết: Ấn Độ đánh giá rất cao hoạt động của Trung tâm ARC-ICT, bởi đây là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, hỗ trợ đào tạo CNTT của Ấn Độ với Việt Nam. Đại sứ Pranay Verma cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Trung tâm ARC-ICT hiện nay chính là đòi hỏi về cập nhật, đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo CNTT.
Chính phủ Ấn Độ ủng hộ giai đoạn 2 của dự án và đang chờ báo cáo chi tiết của C-DAC để phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Trong quá trình này, Đại sứ Pranay Verma mong muốn Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với phía C-DAC, nhất là thẩm định về mặt công nghệ để đảm bảo những công nghệ được đầu tư trong giai đoạn 2 phải hiện đại và đáp ứng yêu cầu của Thành phố.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, Trung tâm nguồn lực CNTT&TT Việt Nam - Ấn Độ đã phối hợp, đào tạo cho hàng chục nghìn cán bộ, công chức của Thành phố và các đối tượng khác về CNTT, đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử của Hà Nội cũng như Việt Nam.
Ngài Đại sứ cùng tập thể cán bộ Sở TTTT Hà Nội.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng nêu rõ, trong những năm tới, Thành phố tiếp tục xác định trọng tâm là xây dựng chính phủ điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp.
Do vậy, Hà Nội mong muốn Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ để sớm triển khai giai đoạn 2 của Trung tâm ARC-ICT, với mục tiêu nâng cấp, trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin được cấp chứng chỉ quốc tế ngay tại Việt Nam; đồng thời, Trung tâm sẽ là cầu nối để mở rộng hợp tác trong việc cử nhân lực Việt Nam tham gia đào tạo tại CNTT tại Ấn Độ.
Lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cho biết, TP sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai giai đoạn 2 của dự án, xứng tầm với mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước; đồng thời mong muốn Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp CNTT với Hà Nội trên các lĩnh vực chuyển đổi số, thành phố thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin,...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần