Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Hà Nội kiến nghị được xây dựng lộ trình phù hợp mô hình chính quyền đô thị

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Từ thực tế giám sát, Đoàn giám sát của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội nêu ra một một nhóm giải pháp, đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, kiến nghị trong giai đoạn sắp xếp tiếp theo, UBTV Quốc hội, Chính phủ cần cho phép Hà Nội nghiên cứu, xây dựng lộ trình tiếp tục sắp xếp ĐVHC phù hợp việc xác định mô hình chính quyền đô thị, sửa đổi Luật Thủ đô và thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Hôm nay, 31/3, Đoàn Đại biểu (ĐB) Quốc hội TP Hà Nội đã ban hành báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của UBTV Quốc hội trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2021”
Theo đó, Đoàn giám sát của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội có đại diện Thường trực HĐND, UBMTTQ TP; Vụ Pháp luật-Văn phòng Quốc hội; Ban Pháp chế HĐND TP và một số sở của TP, đã tổ chức làm việc trực tiếp tại UBND các quận, huyện Hai Bà Trưng, Phúc Thọ, Phú Xuyên và UBND TP Hà Nội.
Hà Nội đã quyết tâm thực hiện thành công sắp xếp 7 ĐVHC cấp xã 
Kết quả giám sát cho thấy, TP Hà Nội đã thực hiện rà soát 30 ĐVHC cấp huyện, không có đơn vị nào cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 50% so với quy định, nên không có ĐVHC cấp huyện trong diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Trong 584 ĐVHC cấp xã, có 12 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp (6 phường, 6 xã) do cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đều dưới 50% so với quy định. TP đã báo cáo và được UBTV Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 895/NQ-UBTVQH14 ngày 11/2/2020 theo đó thực hiện sắp xếp 7 đơn vị giai đoạn 2019-2021 còn lại 5 đơn vị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này.
Thực hiện Nghị quyết 895/NQ-UBTVQH14, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/2/2020 để tổ chức triển khai thực hiện. Căn cứ kế hoạch và chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, quận Hai Bà Trưng và các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện việc sắp xếp tại địa phương một cách khẩn trương, nghiêm túc. Số lượng ĐVHC cấp xã trên địa bàn Hà Nội sau sắp xếp giảm đi 5 đơn vị, từ 584 còn 579 đơn vị. Số lượng ĐVHC cấp xã mới hình thành sau sắp xếp là 5 đơn vị. Số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc xã, phường giảm 50%, từ 92 còn 46 đơn vị. Các ĐVHC mới đã hoạt động, từng bước ổn định. Đến nay, tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền và đoàn thể các phường, xã đã đi vào hoạt động ổn định phục vụ tốt công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại địa phương. 
Trong giai đoạn 2019-2021, UBND TP thực hiện sắp xếp đối với 10 đơn vị: Quận Hai Bà Trưng sắp xếp 4 phường là Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm và Phạm Đình Hổ. Huyện Phúc Thọ sắp xếp 4 xã là cẩm Đình, Xuân Phú, Phương Độ, Sen Chiểu. Huyện Phú Xuyên sắp xếp 2 xã là Thuỵ Phú và Văn Nhân. Sau sắp xếp hình thành 5 ĐVHC mới là phường Nguyễn Du, phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng); xã Xuân Đình, xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ); xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên). ĐVHC được thành lập ngày 1/3/2020, ngay sau khi thành lập UBND các phường, xã đã bắt tay ngay vào việc chuyển đổi con dấu và các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức và DN trên địa bàn. Việc chuyển đổi giấy tờ thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước đảm bảo, người dân và DN không phải chi trả kinh phí khi thực hiện.
Cấp uỷ, chính quyền các  quận, huyện đã thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC), người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo đủng cơ cấu, số lượng; tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, các ĐVSN trong hệ thống chính trị sau khỉ sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Sau khi sắp xếp, số CBCC dôi dư còn phải giải quyết đến thời điểm giám sát là 10 người. Trong đó phường Nsuyễn Du (quận Hai Bà Trưng) đã sắp xếp xong; xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ): 3 người; xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ): 6 người; xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên): 1 người. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư còn 4 trường hợp, trong đó quận Hai Bà Trưng 1 trường hợp và huyện Phúc Thọ 3 trường hợp. Các trường hợp dôi dư còn lại chưa sắp xếp do các vị trí đã được bố trí đủ số lượng, người được sắp xếp đều đang trong độ tuổi công tác, có nguyện vọng cống hiến lâu dài. CBCC và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư được UBND quận Hai Bà Trưng, huyện Phú Xuyên, huyện Phúc Thọ tiếp tục sắp xếp trong thời gian tới.
Các thành viên Đoàn giám sát nhận định, TP Hà Nội đã nghiêm túc triển khai xây dựng Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Dù các ĐVHC cấp xã có rất nhiều yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa... nhưng TP đã quyết tâm thực hiện thành công việc sắp xếp 7 ĐVHC cấp xã trong diện phải sắp xếp theo Nghị quyết số 895/NQ-UBTVQH14, quá trình thực hiện sắp xếp bài bản, công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Việc sắp xếp thực sự gắn với mục tiêu đổi mới, tạo điều kiện để cơ cấu và lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ CBCCVC, ngưòi hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm, lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ.
Đồng thời, sắp xếp ĐVHC có tác động tích cực đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương; hệ thống giáo dục, y tế được sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng đã góp phần phục vụ Nhân dân tốt hơn. Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ NSNN được nâng cao, do giảm số ĐVHC, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, kinh phí vận hành, duy tu, bảo trì các trụ sở hoạt động… Việc sáp nhập xã còn giúp xã mới có đủ điều kiện để xây dựng quy hoạch một cách quy mô, tăng cường khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giảm đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH và tăng thu ngân sách trên địa bàn.
Công chức UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) trả kết quả giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân 
Kiến nghị cho địa phương chủ động lựa chọn thời điểm sắp xếp phù hợp
Tuy đã đạt những kết quả khả quan bước đầu, song qua giám sát thực tế, Đoàn cũng nhận thấy quá trình sắp xếp thể hiện còn một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế. Điển hình, việc sắp xếp giảm số lượng CBCC là việc làm khó, phải thực hiện theo lộ trình, vì vậy trên địa bàn các xã thực hiện sắp xếp ĐVHC vẫn còn một số CBCC, người hoạt động không chuyên trách dôi dư chưa được sắp xếp. Chế độ của đội ngũ CBCC, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ việc còn thấp, chưa thoả đáng so với mong muốn. Việc đo đạc, cắm mốc, xác định hồ sơ bản đồ địa giới hành chính đối với các ĐVHC cấp xã mới thành lập vẫn chưa thực hiện xong.
Bên cạnh đó, một số trụ sở làm việc của cơ quan hành chính sau sắp xếp còn chật hẹp, xuống cấp chưa đáp ứng được yêu cầu (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên), nhất là bộ phận một cửa giải quyết TTHC phục vụ Nhân dân. Một số ĐVHC trên địa bàn TP Hà Nội chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 vì nhiều lý do khách quan; tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên của ĐVHC được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTV Quốc hội theo phản ánh từ cơ sở trực tiếp thực hiện còn cao và khó đạt 100% như mục tiêu đề ra.
Từ thực tế giám sát, Đoàn giám sát đã nêu ra một một nhóm giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị với UBTV Quốc hội, Chính phủ, UBND TP Hà Nội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Trong đó, kiến nghị trong giai đoạn sắp xếp ĐVHC tiếp theo, UBTV Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn các địa phương chủ động, lựa chọn thời điểm sắp xếp các ĐVHC trên địa bàn một cách phù hợp, gắn với thời điểm gần tổ chức Đại hội Đảng, nhiệm kỳ HĐND các cấp... để thuận tiện cho công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư. Riêng với Hà Nội, cần cho phép nghiên cứu, xây dựng lộ trình tiếp tục sắp xếp ĐVHC phù hợp việc xác định mô hình chính quyền đô thị, sửa đổi Luật Thủ đô và thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Đối với UBND TP, đáng chú ý, Đoàn kiến nghị có rà soát, đánh giá một cách tổng thể các ĐVHC trực thuộc trên địa bàn; nghiên cứu, có đề xuất cụ thể về phương án quy định tiêu chuẩn ĐVHC cấp xã phù hợp đặc điểm, điều kiện của Thủ đô; nghiên cứu, xây dựng định hướng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, tổ chức không gian đô thị tại Thủ đô để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản QPPL liên quan, làm cơ sở cho xây dựng phương án, lộ trình, kế hoạch sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2022-2030 theo yêu cầu của Bộ Chính trị, UBTV Quốc hội. 
Đoàn cũng đề nghị UBND TP quan tâm cùng các quận, huyện sớm giải quyết dứt điểm những trường hợp CBCC, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của CBCC dôi dư, giải quyết tốt chế độ chính sách mà T.Ư và TP quy định.