Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Khó xử lý công chức dôi dư

Theo Quochoi.vn
Chia sẻ Zalo

Chiều ngày 16/11, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 23, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Phú Yên trong giai đoạn 2019-2020.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức điều hành nội dung thảo luận. Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, đại diện lãnh đạo các tỉnh có đơn vị hành chính được sắp xếp, đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội và các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo các Tờ trình và Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh trong giai đoạn 2019-2020, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46 đơn vị và đề nghị chưa thực hiện sắp xếp đối với 01 đơn vị hành chính cấp huyện.
 Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 23
Tỉnh Tuyên Quang thực hiện sắp xếp 02 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 02 đơn vị và đề nghị chưa thực hiện sắp xếp đối với 01 đơn vị hành hành chính cấp xã.
Tỉnh Lạng Sơn thực hiện sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 26 đơn vị và đề nghị chưa thực hiện sắp xếp đối với 10 đơn vị hành chính cấp xã.
Tỉnh Phú Yến đề nghị sắp xếp 02 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 02 đơn vị.
Trong từng Đề án, Chính phủ, chính quyền địa phương đã nêu cụ thể phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và việc quản lý công sản, bố trí trụ sở làm việc ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Các Đề án đã được lấy ý kiến cử tri và ý kiến của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.
 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Chính phủ và các tỉnh trong việc xây dựng Đề án, tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính và nhận thấy hồ sơ Đề án đã có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân các địa phương.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các địa phương thực hiện sắp xếp có thêm giải trình, làm rõ một số nội dung. Các đại biểu đề nghị giải trình làm rõ việc chưa thực hiện sắp xếp đối với thị xã Hồng Lĩnh và 12 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh, 10 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn và 01 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn 2019-2020 bởi một số lí do chưa thực hiện sắp xếp chưa xuất phát từ các đặc điểm nội tại của đơn vị hành chính phải sắp xếp mà dựa trên định hướng phát triển trong tương lai hay một số trường hợp mới chỉ giải trình chung chung, chưa cụ thể hay chưa có thuyết minh về dự kiến phương án sắp xếp trong giai đoạn sau năm 2021.
Đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Việc nhập đơn vị hành chính ở nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị, một số Đề án chưa có phương án, giải pháp đầu tư phát triển đô thị trong tương lại để các thị trấn mới được thành lập đạt tiêu chí của đô thị cùng loại. Do đó đề nghị Chính phủ và các địa phương có báo cáo bổ sung, giải trình làm rõ các nội dung này.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trách nhiệm báo cáo, giải trình rõ trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính đối với một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết qua xem xét Đề án của các tỉnh cho thấy có sự không thống nhất trong việc thực hiện quy định này, có tỉnh có báo cáo giải trình rõ trong Đề án, có tỉnh không. Do đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn đối với các tỉnh để thực hiện thống nhất quy định trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về việc một số đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các tiêu chí về diện tích, dân số thì trong quá trình sắp xếp còn phải lưu ý đến việc bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm yếu tố văn hóa, xã hội. Đại biểu cho biết, tại các tỉnh miền núi có một số đặc thù riêng như địa hình chia cắt hay dân tộc sinh sống khác biệt nên nhiều đơn vị hành chính không thể thực hiện sáp nhập dẫn đến một số đơn vị không bảo đảm 1 trong 2 tiêu chí.
Cũng có ý kiến của đại biểu đề nghị cần có báo cáo cụ thể hơn về giải pháp hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc hỗ trợ thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn có liên quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung theo Tờ trình của Chính phủ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức đề nghị Chính phủ và các địa phương có văn bản giải trình các ý kiến tại phiên họp để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.