Sạt lở bờ sông Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo khẩn

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu UBND huyện Yên Thế khẩn trương triển khai phương án xử lý nhanh nhất, hiệu quả nhất việc khắc phục sự cố, không để phát sinh thêm sạt lở khu vực bờ sông Thương.

Theo UBND huyện Yên Thế, điểm sạt lở là đoạn bờ sông cách cầu Bố Hạ khoảng 200-300 m về phía thượng lưu, phía ngoài là sông, phía trong là khu dân cư. Khu vực sạt lở gồm 2 cung sạt. Trong đó cung sạt lở số 1 (xảy ra ngày 15/5/2024) có chiều dài khoảng 40 m, rộng 15 m vào sát mép đường giao thông ngõ (cách 0,7 m).

Cung sạt lở số 2 (xảy ra ngày 18/5/2024) có chiều dài khoảng 37 m, rộng 10 m, cách đường bê tông dân sinh 2 m (cách điểm sạt lở số 1 khoảng 55 m về phía thượng lưu).

Hiện trường khu vực sạt lở
Hiện trường khu vực sạt lở

Tại các vị trí này có một số bụi tre, cây ăn quả đã bị sạt trượt xuống sông, nếu không được khắc phục kịp thời, nguy cơ tiếp tục sạt lở vào đoạn đường bê tông dân sinh và nhà ở của 15 hộ dân liền kề.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tại Quyết định số 1179/QĐ-UBND ngày 24/7/2024 về khẩn cấp xây dựng công trình xử lý khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Thương, huyện Yên Thế đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư. Hiện, huyện Yên Thế đã chỉ định thầu tư vấn thiết kế khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở ngay trong đầu tháng 8 tới; phấn đấu thi công xây dựng và hoàn thành trong 30 ngày kể từ ngày khởi công.

Điểm sạt lở sát với đường bê tông dân sinh và khu vực sinh sống của 15 hộ dân
Điểm sạt lở sát với đường bê tông dân sinh và khu vực sinh sống của 15 hộ dân

Giải pháp xử lý sự cố được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, xử lý ngay bằng giải pháp thả đá hộc tạo lăng thể hộ chân với chiều dài khoảng 130 m; bạt mái giảm tải, trồng cỏ mái bờ sông để hạn chế diễn biến tiếp tục sạt lở. Chi phí đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 là 3,6 tỷ đồng trích từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng, kinh phí còn lại do huyện Yên Thế bố trí.

Sau khi giữ được ổn định chân cung sạt, giải pháp tiếp theo là tiếp tục đầu tư nguồn kinh phí để kè gia cố mái bằng hệ khung dầm bê tông cốt thép mái bờ sông.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, những ngày tới, dự báo tiếp tục có mưa. Đồng thời yêu cầu UBND huyện Yên Thế khẩn trương triển khai phương án xử lý nhanh nhất, hiệu quả nhất việc khắc phục sự cố, không để phát sinh thêm sạt lở.

Trước mắt, huyện Yên Thế tập trung cao hoàn tất các thủ tục triển khai các bước để sớm khởi công dự án. Chỉ đạo thị trấn Bố Hạ bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi, giám sát, cảnh báo khu vực nguy hiểm; hướng dẫn, hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trực tiếp kiểm tra sự cố sạt lở bờ sông Thương
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trực tiếp kiểm tra sự cố sạt lở bờ sông Thương

"Thực hiện tổ chức phát quang cây cối trên mái bờ sông, bãi sông khu vực xảy ra sự cố; cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập hồ sơ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt trượt; lắp đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm ở các đầu điểm sạt lở. Có biện pháp xử lý nước mưa và nước thải từ khu vực các hộ dân xung quanh, không để chảy tập trung vào khu vực cung sạt" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.

Quá trình thi công phải tính toán phương án bảo đảm an toàn cho các hộ dân sinh sống xung quanh. Duy trì tuần tra, canh gác tại các điểm sạt lở, nhất là trong thời điểm có mưa, bão, nước sông dâng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên cập nhật, báo cáo tiến độ khắc phục sự cố; kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm tổ chức thi công xây dựng công trình theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.