Quảng Ngãi:

Sạt lở gia tăng, nhiều diện tích đất sản xuất bị sông "nuốt chửng"

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm hộ dân ở dọc sông Trà Bồng (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thấp thỏm không yên bởi tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Qua nhiều đợt mưa lũ, 2 sào đất (500m2/sào) màu mỡ nằm ven sông Trà Bồng của ông Lê Văn Bản (tổ dân phố An Châu, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hao hụt dần, đến nay chỉ còn ngót nghét 300m2.

Ông Lê Văn Bản chuyển sang trồng chuối để dễ chống chọi với nước lũ.
Ông Lê Văn Bản chuyển sang trồng chuối để dễ chống chọi với nước lũ.

“2 sào đất trước kia trồng hoa màu, giờ sông cuốn đi gần hết nên chỉ trồng chuối thôi, mà số đất còn lại cũng có nguy cơ bị sông nuốt mất”- ông Lê Văn Bản nói.

Hàng chục năm qua, người dân ở tổ dân phố An Châu và Giao Thủy (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) đứng trước nỗi lo mất đất sản xuất, bởi cứ mỗi mùa lũ trôi qua, những mảnh ruộng màu mỡ ven sông Trà Bồng của họ lại "ngót" đi đáng kể.

Sạt lở gia tăng qua từng năm.
Sạt lở gia tăng qua từng năm.

Vùng đất đai màu mỡ, trù phú ven sông từng mang lại huê lợi cho người dân cứ thu hẹp dần. Hoa màu cũng bị thiệt hại nặng mỗi khi nước sông dâng cao.

Bụi tre trồng giữ đất cũng bật gốc do sông lấn sâu vào bờ.
Bụi tre trồng giữ đất cũng bật gốc do sông lấn sâu vào bờ.

Những bụi tre được người dân trồng ven sông với mục đích chắn nước, giữ lại đất sản xuất cũng không thể thắng nổi sự tấn công dữ dội của nước lũ. Nhiều bụi bị cuốn trôi, số khác bị bật gốc, trơ rễ.

Mỗi mùa mưa, sông lấn sâu vào bờ hàng chục mét.
Mỗi mùa mưa, sông lấn sâu vào bờ hàng chục mét.

Ông Võ Văn Thới (xã Bình Trung) lo âu: “Qua một mùa lũ là con sông này ăn vào đất liền 15-20m. Sợ là qua mùa mưa năm nay, đường giao thông không còn nữa, rồi sông sẽ tiếp tục lấn sâu vào trong khu dân cư”.

Sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp.
Sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo khảo sát, có khoảng 1,5km đất ven sông Trà Bồng đang trong tình trạng bị sạt lở nghiêm trọng. Người dân địa phương mong mỏi được nhà nước xây dựng kè kiên cố để giữ đất, giữ lại kế sinh nhai bao đời và ổn định sản xuất, chấm dứt cảnh thấp thỏm chạy lũ, chạy sạt lở vào mùa mưa bão.

Khoảng 1,5km ven sông Trà Bồng bị sạt lở nghiêm trọng.
Khoảng 1,5km ven sông Trà Bồng bị sạt lở nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Bình Sơn đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè Bến Đụn với chiều dài gần 750m, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an toàn dân sinh và góp phần cải tạo cảnh quan sạch đẹp, phát triển du lịch.

Ông Phạm Lê Huyên – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ.
Ông Phạm Lê Huyên – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ.

Ông Phạm Lê Huyên – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Ổ bày tỏ: “Mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm thực hiện dự án để tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi. Đặc biệt An Châu, Giao Thủy là vùng trũng của thị trấn Châu Ô, năm nào cũng bị ngập sâu”.

Người dân vùng sạt lở mong sớm có công trình kè ổn định cuộc sống.
Người dân vùng sạt lở mong sớm có công trình kè ổn định cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Tưởng Duy- Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, qua rà soát, tình hình sạt lở đang diễn ra ở 8 xã, thị trấn nằm dọc sông Trà Bồng, nghiêm trọng nhất là ở các xã Bình Trung, Bình Mỹ, Bình Minh và Bình Dương.

Có khu vực sạt lở đã tiến sâu vào đất ở của người dân.
Có khu vực sạt lở đã tiến sâu vào đất ở của người dân.

“Khu vực Đến Đụn huyện đã đưa vào đầu tư công trung hạn. Với công trình này, hoặc sẽ xin tỉnh, hoặc sẽ bố trí ngân sách huyện để thực hiện. Với kè Bình Dương, tỉnh đã xem xét xử lý và hỗ trợ khẩn cấp xây làm trong năm nay"- ông Nguyễn Tưởng Duy thông tin.

Tùy theo tình hình sạt lở ở từng khu vực, chính quyền sẽ có phương án phù hợp. 
Tùy theo tình hình sạt lở ở từng khu vực, chính quyền sẽ có phương án phù hợp. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, đối đoạn ở xã Bình Trung, xã Bình Mỹ, huyện đang khảo sát để làm kè, định hướng là làm kè mềm, vừa chống sạt lở, vừa đảm bảo hệ sinh thái.