Nhiều hộ dân sống ven tuyến sông bày tỏ lo ngại trước diện tích lớn bãi bồi đang bị dòng nước cuốn trôi.
Mất đất canh tác
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tuyển, thôn Yên Hà, xã Hải Bối có nhiều thế hệ sống ven sông Hồng. Theo ông Tuyền, tình trạng sạt lở trong năm 2016, đặc biệt là những tháng cuối năm là rất nghiêm trọng. Khoảng 2 - 3 năm qua, diện tích đất canh tác của gia đình ông bị cuốn trôi lên tới gần 2 sào. “Gia đình tôi trông cậy khá nhiều vào thu nhập từ diện tích rau màu canh tác ven bãi. Giờ, đất đai ngày một sụt giảm khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn…”, ông Tuyển thở dài.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, thôn Yên Hà có khoảng 50 hộ chịu ảnh hưởng từ tình trạng sạt lở bờ sông. Diện tích đất canh tác của hộ mất ít cũng vài ba trăm mét vuông, mất nhiều có khi lên tới 3 - 4 sào.
Tình trạng sạt lở ven sông Hồng đoạn qua địa phận xã Hải Bối (huyện Đông Anh) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân. Ảnh: Trọng Tùng |
Theo người dân, việc sạt lở đã diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong năm 2016, việc khai thác cát bừa bãi đã khiến tình trạng này thêm trầm trọng hơn. Ông Phạm Thanh Tú - một trong những hộ có diện tích canh tác bãi bồi bị sạt lở nhiều nhất thuộc thôn Yên Hà cho biết, từ những tháng cuối năm 2016, khi dự án Nạo vét duy tu luồng tuyến thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm khu vực bãi cạn Hải Bối được triển khai, diện tích đất canh tác của người dân bị cuốn xuống lòng sông đã tăng đáng kể. Người dân đã nhiều lần có ý kiến, nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Chưa thể khẳng định do hút cát?
Ngoài mất đất, người dân các thôn xóm thuộc xã Hải Bối và Võng La còn phải sống chung với tiếng ồn. Theo nhiều hộ dân thôn Yên Hà, các tàu hút cát chủ yếu hoạt động từ chiều tối đến đêm, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt. Ngoài ra, chùa Bạch Sam Bảo Tự - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được Nhà nước công nhận năm 1996 thuộc xã Võng La cũng bị đe dọa sạt lở. Vừa qua, ngôi chùa được UBND TP cấp kinh phí để tu sửa, nâng cấp. Sư thầy trụ trì Thích Đàm Hòa cho biết, để bảo đảm an toàn cho cụm công trình tâm linh về lâu dài, nhà chùa đã phải tiến hành đổ đất gia cố ven sông, tránh nguy cơ sạt lở.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối Nguyễn Hữu Thụ, địa phương đã thành lập đoàn khảo sát hiện trường cho thấy, tình trạng sạt lở ven sông Hồng thuộc địa phận xã quản lý là có thật. Tuy nhiên, ông Thụ đánh giá, nguyên nhân là do diễn biến dòng chảy sông Hồng chứ không phải do tình trạng hút cát!
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) - đơn vị chủ quản của dự án Nạo vét duy tu luồng tuyến thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm khu vực bãi cạn Hải Bối cho biết, dự án trên triển khai cuối năm 2016 trên tổng chiều dài tuyến sông khoảng 2km. Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại & dịch vụ Nhật Anh được giao đảm nhiệm là nhà đầu tư kiêm đơn vị thi công. Hiện, dự án này đã kết thúc. Liên quan tới thông tin sạt lở ven sông Hồng do hút cát theo phản ánh của người dân, ông Giang cho rằng, chưa thể khẳng định như vậy! Đơn vị chỉ cấp phép nạo vét chiều rộng 80m giữa lòng sông Hồng, trong khi lòng sông rất rộng, khó có thể ảnh hưởng tới kết cấu ven sông. Dù vậy, không loại trừ khả năng nhà đầu tư khai thác ngoài khu vực được cấp phép. Tuy nhiên, điều này phải tiến hành đánh giá cụ thể, chứ không thể kết luận cảm tính. Theo ông Giang, việc khai thác cát trái phép diễn biến khá phức tạp trên sông Hồng hiện nay cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới việc sạt lở ven sông.