Sau 1 tuần Hà Nội giãn cách xã hội: Hàng hoá dồi dào, không tăng giá đột biến

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau một tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND TP Hà Nội, nguồn cung thực phẩm, rau xanh tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị luôn dồi dào không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến. TP Hà Nội đã chủ động dự trữ nguồn hàng, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Thực phẩm, rau xanh không thiếu
Khảo sát thị trường thực phẩm, rau xanh tại hệ thống chợ truyền thống cho thấy, mặc dù chợ đầu mối phía Nam tạm dừng hoạt động do có ca nhiễm Covid-19 nhưng lượng hàng tại các chợ dồi dào, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tại chợ Khương Thượng (quận Đống Đa) giá thịt lợn không tăng, hiện thịt thăn lợn 140.000 đồng/kg; sườn thăn 150.000 đồng/kg, thịt mông 120.000 đồng/kg. Thịt bò thăn 280.000 – 300.000 đồng/kg; bò dẻ sườn 200.000 – 220.000 đồng/kg; bò bắp 300.000 đồng/kg… Các mặt hàng thủy, hải sản tại chợ Nam Đồng (Đống Đa) cũng trong tình trạng tương tự, hiện cá chép giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, cá trắm  65.000 – 70.000 đồng/kg, các loại hải sản đông lạnh như mực ống từ 130.000 – 150.000 đồng/kg; tôm loại 10 con/kg giá 350.000 đồng; ghẹ xanh từ 3 – 5 con/kg giá 250.000 đồng/kg. Giá các loại thịt gia cầm cũng không tăng so với ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, hiện gà ta vẫn đang giữ ở mức 140.000-150.000 đồng/kg, cánh và đùi gà công nghiệp 80.000-85.000 đồng/kg, lườn 60.000 đồng/kg. Riêng có mặt hàng trứng gà vẫn đang ở mức cao, nếu như trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, trứng gà công nghiệp 30.000-32.000 đồng/chục, nay đã tăng lên 40.000-45.000 đồng/chục, trứng gà ta 50.000 – 55.000 đồng/chục.
 Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ Nam Đồng ( Đống Đa)

Trong khi các loại thực phẩm không tăng giá thì mặt hàng rau củ quả tăng nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.  Các tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa), Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thông tin, vài hôm trước bí xanh được bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng hiện đã 25.000 đồng/kg; Rau cải từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, rau muống từ 5.000 - 6.000 đồng/bó, hiện 15.000 - 20.000 đồng/bó, cà chua từ 15.000 đồng/kg nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg, mướp đắng tăng lên 17.000 đồng/kg, mướp hương lên 20.000 đồng/kg, cà rốt 25.000 đồng/kg; dưa chuột từ 15.000 - 20.000 đồng/kg... Dù các chợ truyền thống tăng giá, nhưng các siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán mặt hàng rau, củ quả. Tại siêu thị Big C  Thăng Long, Vinmart Thăng Long (quận Cầu Giấy), Hapro Thành Công (quận Ba Đình) giá rau củ vẫn giữ ổn định, như bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg… và được bán với số lượng không giới hạn.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng)
Lý giải nguyên nhân giá rau xanh tăng nhẹ hầu hết các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này có chung phản ánh, giá rau tăng nhẹ là do việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao. Nguyễn Mạnh, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Nam Đồng cho biết, những ngày vừa qua, người tiêu dùng đi chợ theo ngày chẵn-lẻ nên lượng tiêu thụ mạnh bởi đa phần người đi chợ thường mua từ 1-2kg/lần, tuy nhiên giá bán không tăng do nguồn cung dồi dào. Nếu tăng giá sức tiêu thụ sẽ giảm bởi người dân sẽ hạn chế chi tiêu trong thời gian giãn cách.
Thực tế cho thấy nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiế nhiều chợ truyền thống đã triển khai việc kẻ ô, căng dây chắn…song vẫn đảm bảo việc mua hàng được nhanh chóng, thuận tiện.
Hà Nội tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa
Nhằm hạn chế người dân ra đường trong thời gian giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hà Nội khuyến khích người tiêu dùng mua sắm theo hình thức online, nhưng để thực hiện được đòi hỏi phải tạo điều kiện cho những người giao hàng (shipper) vận chuyển hàng hóa.
Thông tin từ các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C Thăng Long, Hapro, BRG, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.opmart, MM Mega Market Việt Nam… cho thấy, ngay trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội đơn mua hàng online của người dân đã tăng gấp 2-5 lần so với những ngày trước đó.
 Người tiêu dùng mua thực phẩm tại Big C Thăng Long
Thực tế tại các sàn thương mại điện tử (TMĐT), hiện nhiều đơn hàng đang bị ùn ứ do không thể giao đến khách hàng. Nguyên nhân là do nhiều mặt hàng bị xếp vào danh sách "không thiết yếu" như bỉm, sữa… và shipper chưa được cấp phép vận chuyển dẫn tới tỉ lệ hoàn trả đơn hàng tăng cao đột biến. Theo Tổng Giám đốc sàn TMĐT Sendo Trần Hải Linh, việc hoàn trả đơn hàng tăng cao do thiếu shipper, không chỉ gây áp lực lên người bán, đơn vị vận chuyển cũng như gây mất niềm tin ở người dùng.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa kiến nghị Thủ tướng về việc duy trì hoạt động TMĐT hỗ trợ chống dịch Covid-19 và cuộc sống người dân. Theo đó, VECOM kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông danh mục hàng hóa như trong điều kiện bình thường, đồng thời giao cho UBND các địa phương, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, căn cứ tình hình thực tế hỗ trợ shipper tối ưu hoá hoạt động của mình, qua đó cũng giúp các sàn TMĐT phục vụ tốt hơn Nhân dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.
 Nhân viên siêu thị Big C bổ sung hàng hóa

Để khắc phục bất cập này, trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hà Nội đang thực hiện việc lập danh sách cấp thẻ vận chuyển hàng hóa cho các shipper giao hàng bằng xe mô tô 2 bánh cho các siêu thị trên địa bàn TP; nhân viên bưu tá. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tính đến hết ngày 31/7 đơn vị đã lập danh sách gần 2000 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ như Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn, Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt, siêu thị Big C Thăng Long; Fuji Mart, Co.op Mart,  MM Mega Market Việt Nam, siêu thị Mường Thanh và  Trung tâm thương mại Lotte, AEON... Ngoài ra, Sở TT&TT cũng gửi thêm thông tin của 14.484 shipper. Hiện Sở GTVT Hà Nội đã cấp mã xác nhận cho 14.270 xe, số lượng những shipper còn lại sẽ tiếp tục được xét duyệt.
Có thể thấy, với việc chủ động nguồn cung, dự trữ hàng hóa thiết yếu trong cao điểm chống dịch như hiện nay, người dân hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm trong cao điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.