Internet đã, đang và sẽ luôn hiện hữu trong mọi hoạt động từ cuộc sống đến kinh tế, văn hóa, đồng thời chính mạng kết nối toàn cầu cũng đã dần làm thay đổi thói quen cũng như cách sống của con người.
Đi lên từ con số 0Khởi điểm từ con số 0, tới hiện tại, Việt Nam đang nằm trong top những quốc gia có lượng người sử dụng internet cao nhất châu Á với hơn 50 triệu người dùng, chiếm hơn 54% dân số, tăng mạnh so với con số 17 triệu của 10 năm về trước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia triển khai mạng 2G từ sớm và liên tục cập nhật, phát triển lên các công nghệ hiện đại hơn như 3G hay 4G với tầm phủ sóng rộng khắp trên mọi miền lãnh thổ cùng lượng người dùng di động đạt hơn 128 triệu thuê bao.
|
Một tiết học Tin học ứng dụng tại trường THCS ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Trong quãng thời gian 2 thập kỷ, nhờ internet, Việt Nam cũng đã có những DN trị giá nghìn tỷ như Viettel, VNPT, FPT, CMC hay VNG... Các DN này không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước, mà còn từng bước vươn tầm hoạt động ra phạm vi thế giới. Nhiều sản phẩm công nghệ trên nền internet do chính người Việt tạo ra cũng đã tạo dấu ấn mạnh mẽ tầm quốc tế như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông hay ứng dụng học trực tuyến Monkey Junior đạt Giải nhất Cuộc thi Sáng kiến toàn cầu 2016.
Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom Đặng Tùng Sơn cho rằng, internet đã và sẽ mang lại cơ hội kinh doanh cũng như mở rộng thị trường cho DN trong nước. Nhưng để nắm bắt được cơ hội từ internet, các DN cần chủ động tiếp cận và áp dụng những mô hình công nghệ mới phù hợp với lĩnh vực hoạt động. Quan trọng hơn, các DN cần xác định rõ áp dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh chính là tự tăng cường năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững.
Gỡ khó cho doanh nghiệp nộiTuy internet đang mở ra nhiều cơ hội rộng mở cho DN nội dung số Việt, nhưng thách thức đi kèm với đó cũng là khá lớn khi thị phần trong nước của lĩnh vực này đang chủ yếu rơi vào tay DN nước ngoài. Facebook và YouTube chiếm 95% thị phần mạng xã hội, Google chiếm 98% thị phần tìm kiếm... Đây là những con số lý giải cho doanh thu của ngành nội dung số Việt năm 2016 chỉ đạt 739 triệu USD, giảm gần một nửa so với mức 1,4 tỷ USD năm 2012. Bên cạnh đó, việc DN thương mại điện tử liên tiếp bị hãng nước ngoài tên tuổi thâu tóm, du lịch trực tuyến chịu sự thống trị của Booking hay Agoda, Alibaba đang muốn chiếm lĩnh thị trường thanh toán điện tử cũng luôn là chủ đề nóng đối với dư luận.
Tổng Giám đốc Công ty VCCorp Nguyễn Thế Tân cho rằng, DN trong nước đang bất lợi về nhiều mặt, trong khi bị “trói tay” thì DN ngoại lại không bị quản lý bởi chính sách của Việt Nam. Doanh thu của DN nội dung số Việt có thể đạt mốc 10 tỷ USD/năm nếu như Nhà nước tháo gỡ được các khó khăn mà DN đang mắc phải.
Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc VTC Intecom Nguyễn Thanh Hưng nhận định, chính sách quản lý ở Việt Nam đang vô tình tạo ra sự "bảo hộ ngược" cho DN ngoại. Trong khi DN trong nước chịu sự quản lý của nhiều quy định, thì gần như chưa có bất kỳ giải pháp tương tự nào được áp dụng cho DN ngoại. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. “Facebook, Google cung cấp một lượng rất lớn nội dung như tìm kiếm, báo chí, truyền hình... nhưng không chịu sự ràng buộc nào, thậm chí không cần cấp phép nội dung, nhưng DN Việt muốn làm điều tương tự là cực kỳ khó khăn khi phải xin cả "rừng" giấy phép” - ông Hưng chia sẻ.
Trước những băn khoăn của DN, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng thừa nhận, hiện đang có những chính sách "bảo hộ ngược" cho DN nước ngoài như gói cước rẻ hơn, thuê máy chủ miễn phí..., trong khi DN Việt phải mất phí khi đặt máy chủ cũng như chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ luôn đồng hành cùng DN để cùng tìm và đưa ra những chính sách cởi mở hơn nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng với DN nước ngoài.