Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể:

Sau 30/6, dừng thu phí nếu trạm BOT chưa hoàn thành thu phí không dừng

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu phí không dừng và giá vật liệu tăng cao là hai trong số những vấn đề được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng nay, 9/6.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Không lắp thu phí không dừng sẽ phải xả trạm

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, đoàn Bình Thuận đặt câu hỏi, về tiến độ triển khai thu phí không dừng, đến nay sau 5 năm vẫn chưa hoàn thành, nguyên nhân chính của sự chậm trễ là từ đâu? Liệu sau ngày 31/7 năm nay, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nếu trạm thu phí nào không thực hiện thu phí không dừng phải xả trạm, thì có thực hiện được hay không? Các trạm thu phí bị lỗi về công nghệ thông tin có bị xử phạt không?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí không dừng bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Trong quá trình triển khai, gặp rất nhiều khó khăn như thói quen của người dân, tỉ lệ dán thẻ thu phí không dừng rất hạn chế, trong quá trình vận hành cũng có một số sơ xuất về mặt kỹ thuật cần phải điều chỉnh. Đặc biêt, năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 437 giao cho ngành GTVT cũng như Chính phủ đến 2019 phải xong.

Song, do có tới hơn 113 trạm BOT với khoảng 400 làn đường nên dù Bộ GTVT rất nỗ lực vẫn không thể đáp ứng kịp tiến độ đề ra. Đến 2019, cơ bản các dự án BOT có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Chỉ có 28 trạm BOT của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do vướng việc tái cơ cấu nên VEC không có kinh phí để triển khai. Đến thời điểm này, vướng mắc của VEC đã được giải quyết xong.

Cách đây 2 hôm, VEC đã ký hợp đồng tín dụng với các cơ quan để triển khai thu phí không dừng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến 30/6, toàn bộ các trạm BOT (trừ các trạm của VEC) phải hoàn thành lắp đầy đủ các làn thu phí không dừng. Mỗi trạm chỉ chừa hai làn ở hai bên rìa để giải quyết những tình huống phức tạp hoặc đột xuất. Riêng đối với VEC, do vừa tháo gỡ cơ chế nên Thủ tướng yêu cầu đến 31/7 phải hoàn thành toàn bộ.

Theo tiến độ chúng tôi nắm được hiện nay thì đều đảm bảo. Nếu đến 30/6 các trạm BOT chưa hoàn thành lắp đặt thu phí không dừng như yêu cầu thì sẽ cho dừng thu phí, khi nào thực hiện xong mới cho thu phí lại.

Với các trạm BOT của VEC cũng vậy, đến 31/7 mà chưa thực hiện xong thì cũng sẽ xả trạm đến khi lắp đặt xong thu phí không dừng. Đến thời điểm này chúng ta đã dán thẻ được khoảng 3,2 triệu trong tổng số hơn 4 triệu ô tô, chiếm khoảng 69%. Ngày 1/6 vừa qua chúng ta cũng đã thực hiện thí điểm thu phí không dừng 100% trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Đối với những trường hợp lái xe vi phạm, chúng ta sẽ xử phạt theo Nghị định 100. Riêng với những trạm BOT gặp vấn đề, trong Nghị định 100 hiện chưa có quy định xử phạt đối với các trạm BOT. Vấn đề này chúng tôi xin tiếp thu và báo cáo Chính phủ, các cơ quan Nhà nước để nghiên cứu, điều chỉnh.

Sau 30/6, trạm BOT nào chưa lắp đặt thu phí không dừng sẽ phải dừng thu phí.
Sau 30/6, trạm BOT nào chưa lắp đặt thu phí không dừng sẽ phải dừng thu phí.

Các địa phương cần thông báo giá nửa tháng 1 lần

Đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn TP Hà Nội đặt câu hỏi, báo cáo của Bộ GTVT có nêu việc biến động giá nhiên liệu vật liệu trong thời gian qua gây khó khăn cho chủ đầu tư và các nhà thầu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Khó khăn về biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng bao giờ có thể giải quyết? Có ý kiến cho rằng việc mời các cơ quan công an, kiểm toán, thanh tra tham gia ngay từ đầu khi triển khai dự án sẽ làm tăng thêm áp lực khó khăn cho doanh nghiệp, làm chậm thêm tiến độ thi công của dự án. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, do ảnh hưởng biến động xăng dầu và chiến sự Nga – Ukraine nên vật giá tăng. “Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay có 37 địa phương thông báo hàng tháng. Các địa phương còn lại thông báo 3 tháng/lần. Chúng tôi kiến nghị mỗi các địa phương cần thông báo giá mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, có một thực tế là giá thì biến động nhanh mà cơ chế của chúng ta vận hành chậm nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và các nhà thầu. Chúng tôi mong muốn các địa phương làm sao nửa tháng thông báo một lần” – ông Nguyễn Văn Thể nói và cho biết Bộ GTVT sẽ cố gắng cùng với các bộ, ngành, các địa phương điều chỉnh sao cho tốt nhất.

Còn liên quan đến vấn đề mời thanh tra, kiểm toán, công an tham gia dự án ngay từ đầu, ông Nguyễn Văn Thể khẳng định là không ảnh hưởng gì đến nhà thầu. “Khi chúng tôi triển khai cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1, công an, kiểm toán vào cuộc, chúng tôi được giám sát từ khâu lập dự án, khâu thiết kế, tổ chức đấu thầu, triển khai thực hiện của nhà thầu” – Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay và nhấn mạnh, việc tham gia của thanh tra, kiểm toán, công an sẽ đảm bảo cho dự án tính công khai, minh bạch và giúp cho Bộ GTVT, các nhà thầu và các địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn.

Đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình: Vừa qua, khi xây dựng 1 số đường cao tốc đường bộ đã xuất hiện tình trạng khan hiếm cục bộ một số loại nguyên vật liệu. Thời gian tới, cả nước sẽ triển khai 6 dự án trọng điểm về giao thông đường bộ, chưa kể nhiều công trình đang triển khai ở địa phương; việc đáp ứng vật liệu xây dựng khối lượng lớn sẽ gây ra khan hiếm và tăng giá vật liệu. Phương án xử lý vấn đề này ra sao? Thời gian trước, việc kiểm tra, kiểm soát xe quá tải làm rất quyết liệt. Gần đây, vấn đề này không được nhắc đến nhiều. Vậy xe quá khổ, quá tải đã được kiểm soát chặt chẽ chưa hay do vấn đề nào khác? Các giải pháp trong thời gian tới nhằm quản lý tốt vấn đề này?

Theo ông Nguyễn Văn Thể, ngành GTVT đang và sẽ phối hợp với địa phương, bộ ngành, nắm diễn biến của các công trường. Từ đó, sẽ căn cứ vào sổ nhật ký công trình, kiểm tra nghiệm thu cơ sở để điều chỉnh giá, tổ chức nghiệm thu thường xuyên để tổng hợp và áp dụng điều chỉnh giá sát với thực tế. Nếu các nhà thầu làm công khai minh bạch thì việc xử lý sẽ rất tốt: “Chúng tôi sẽ tập trung tối đa để rút ngắn thời gian thanh, quyết toán; xác định khối lượng để các nhà thầu không bị thiệt thòi trong quá trình thi công” .

Về xe quá khổ, quá tải, ông Thể khẳng định vẫn luôn chú trọng kiểm tra, xử lý. Sau khi có thông tin từ báo chí, chúng tôi đã phối hợp với Bộ công an, Ủy ban ATGT Quốc gia, chỉ đạo Tổng cục đường bộ… để kiểm tra giám sát. Tuy nhiên, có thực tế, những xe quá khổ, quá tải hết niên hạn thường hoạt động trong phạm vi hẹp, cự ly ngắn để né sự kiểm soát của Thanh tra Giao thông. Do đó, Bộ trưởng GTVT đề xuất các địa phương cần chỉ đạo CSGT tỉnh, Thanh tra giao thông tỉnh để tăng cường kiểm soát xe quá tải từ các mỏ, công trường, các điểm tập kết vật tư hàng hóa.

Đường hư hỏng cần phải được sửa chữa ngay.
Đường hư hỏng cần phải được sửa chữa ngay.

Đường mà hỏng thì phải sửa ngay

Đại biểu Trịnh Lam Sinh (đoàn An Giang) đặt câu hỏi, trong kỳ họp này, Chính phủ có hai tờ trình đối với các dự án giao thông trọng điểm nhằm bảo đảm không gian đô thị cũng như tạo ra các hành lang để phát triển và nếu được QH thông qua, Bộ trưởng cho biết sẽ có giải pháp gì để nâng cao năng lực quản lý các dự án và đảm bảo các nguồn cung ứng vật tư cho các công trình. Và Bộ trưởng sẽ kiến nghị gì với các địa phương nếu các địa phương này được tham gia quản lý các dự án thành phần?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 12 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, cố gắng cuối năm nay sẽ khởi công. Do ảnh hưởng của việc thiếu nguyên vật liệu xây dựng nên sẽ rất khó khăn cho các địa phương khi triển khai dự án. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý các dự án, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, ở các địa phương có từ 3 - 4 ban quản lý dự án (QLDA) chuyên nghiệp làm tất cả công trình, bao gồm cả giao thông, xây dựng, nông nghiệp, cả từ nguồn vốn ODA.

“Chúng tôi đang kiến nghị chính quyền địa phương chọn ra ban QLDA mạnh nhất, tập hợp lực lượng tốt nhất trong tất cả các ban quản lý về ban quản lý chủ lực cho tỉnh. Các ban QLDA cũng có thể thuê các chuyên gia, người có kinh nghiệm ở các cơ quan đơn vị, tập hợp lại thành một lực lượng mạnh hoặc có thể liên doanh, liên kết với các ban QLDA ở Trung ương của Bộ GTVT và các bộ khác để phối hợp thành một liên doanh điều hành dự án. Với cách làm này, tôi nghĩ rằng, các ban QLDA hoàn toàn có đủ khả năng để làm” – ông Thể khẳng định.

Về vấn đề vật tư, ông Thể cho hay, Bộ GTVT đã rút kinh nghiệm bài học từ giai đoạn 1, hiện các dự án ở miền Trung và miền Đông Nam Bộ, Bộ GTVT đã lập bộ hồ sơ đánh giá kỹ các mỏ vật liệu, cả ở những khu vực chưa có mỏ vật liệu cũng yêu cầu tư vấn điều tra, khảo sát, bổ sung đưa vào quy hoạch của địa phương để đưa về các mỏ dọc theo tuyến cao tốc được triển khai.

Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ sẽ báo cáo với Chính phủ làm việc với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, những tỉnh có trữ lượng mỏ cát tốt nhất hỗ trợ cho các dự án khác từ Cần Thơ về Cà Mau là những khu vực không có cát sông.

Theo ông Thể, Bộ GTVT cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu cát biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo đánh giá có trữ lượng lên đến 1 tỷ khối, hiện các tiêu chuẩn về hạt, kích thước đảm bảo tuy nhiên, vẫn đang thực hiện các đánh giá về tác động môi trường. Để đảm bảo các nguồn cung ứng vật tư cho các công trình, các địa phương phải có sự đoàn kết thống nhất với nhau, An Giang, Đồng Tháp phải hỗ trợ các tỉnh về mỏ cát, còn các tỉnh ở ven biển sẽ hỗ trợ An Giang, Đồng Tháp về cát biển để sao cho sử dụng cát biển nhiều, cát sông ít để hoàn thành các dự án lớn.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đặt câu hỏi, thực tế hiện nay có bất cập đối với quy trình những hư hỏng nhỏ trên đường bộ, đây là những hư hỏng nhỏ nếu được sửa chữa khắc phục ngay thì công trình sẽ sớm trở lại bình thường, tiết kiệm thời gian và chi phí. Nhưng theo trình tự thủ tục hiện nay, để sửa chữa những hư hỏng nhỏ này, cần phải lập dự án đầu tư và được phê duyệt theo thủ tục đầu tư công bình thường, do đó thời gian để khắc phục xong hư hỏng kéo dài làm cho hư hỏng lại lớn hơn, chi phí sửa chữa tăng lên, thời gian thực hiện di chuyển trên mặt đường xấu dài hơn, làm chậm trễ thời gian vận chuyển hàng hóa và các hoạt động khác, Bộ trưởng có biện pháp, cải cách gì để xử lý bất cập này?

Ông Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay ngành GTVT đang thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan đến vốn kinh tế sự nghiệp. Những dự án nhỏ dưới 500 triệu đồng có thể thực hiện theo quy trình rút gọn rất nhanh, chỉ trong 1 tháng là xong. Đối với những dự án trên 500 triệu đồng, thủ tục có lâu hơn khoảng trong vòng 2 tháng. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Dũng về việc nếu đường có hư hỏng nhỏ được kịp thời sửa chữa sẽ không phát sinh ổ gà lớn, gây hư hỏng đường. Bộ GTVT tiếp thu ý kiến và sẽ nghiên cứu, tiếp tục đề xuất cơ chế linh hoạt hơn, tốt hơn” – ông Thể nói.