Sau đại dịch, văn hóa doanh nghiệp được quan tâm hơn để giữ chân lao động

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đại dịch Covid-19, khi nền kinh tế dần phục hồi, lãnh đạo quan tâm hơn đến phát triển văn hóa để thu hút, giữ chân người lao động. Các hoạt động team building và sự kiện offline khác trở lại sôi động hơn.

Đầu tư hơn vào văn hóa doanh nghiệp

Khảo sát Đo lường Mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2022 được thực hiện bởi Blue C- đơn vị tư vấn về văn hóa doanh nghiệp (VHDN) - mới triển khai với sự tham gia của 117 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp Việt đã có sự đầu tư hơn vào phát triển VHDN.

Sản xuất, kinh doanh dần khôi phục cũng chính là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển văn hóa, biến văn hóa trở thành "vũ khí" để ứng phó với những biến động mới (Nguồn ảnh: Internet)
Sản xuất, kinh doanh dần khôi phục cũng chính là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển văn hóa, biến văn hóa trở thành "vũ khí" để ứng phó với những biến động mới (Nguồn ảnh: Internet)

Theo báo cáo khảo sát, năm 2022, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát có mức độ trưởng thành ở cấp độ 3 trong 6 cấp độ trưởng thành của VHDN. Kết quả trung bình của các doanh nghiệp trong khảo sát năm 2022 đạt 44.40 điểm, tăng 1 bậc so với kết quả năm 2021.

Điều này có thể lý giải là do sau đại dịch Covid-19, khi nền kinh tế dần phục hồi, lãnh đạo quan tâm hơn đến phát triển văn hóa để thu hút, giữ chân người lao động. Các hoạt động team building và các sự kiện offline khác trở lại sôi động hơn. Chỉ có 3,42% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin ngân sách VHDN, giảm 14,28% so với năm 2021.

Hoạt động đào tạo văn hóa doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Phần lớn doanh nghiệp đã có hoạt động đào tạo VHDN định kỳ (82.90%) - tăng thêm 20% so với năm trước. Việc đầu tư vào đào tạo sẽ giúp nhân viên thấm nhuần văn hóa tổ chức và đồng lòng thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang dần có ý thức hơn trong việc lưu giữ câu chuyện, truyền thuyết. Đây là điểm sáng các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy để làm giàu văn hoá doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng niềm tự hào cho nhân viên, xây dựng thương hiệu bền vững cho doanh nghiệp.

Khen thưởng nhân viên theo các tiêu chí của VHDN chưa được coi trọng

Bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn nhiều điều doanh nghiệp cần lưu ý khi thực thi để biến những giá trị tổ chức tin tưởng thành hiện thực. Đặc biệt, dữ liệu từ khảo sát cho thấy việc đo lường văn hóa doanh nghiệp định kỳ vẫn còn bị xem nhẹ. Hơn một nửa doanh nghiệp cho biết không đo lường hiệu quả của VHDN hoặc có đo lường hiệu quả của VHDN nhưng lồng ghép vào các chương trình khác.

Mặc dù, có đến 90% doanh nghiệp đã hoàn thành việc định hình tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi, tuy nhiên, có đến gần một nửa (47%) doanh nghiệp chưa xây dựng bộ chuẩn hành vi đi kèm với từng giá trị. Việc tuyển dụng, đánh giá nhân sự và khen thưởng nhân viên theo các tiêu chí của văn hoá doanh nghiệp chưa được coi trọng.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn triển khai văn hóa doanh nghiệp cho các tập đoàn lớn, ông Lê Quang Vũ - CEO Blue C nhận định: “Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần khôi phục cũng chính là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển văn hóa, biến văn hóa trở thành "vũ khí" để sẵn sàng ứng phó với những biến động mới. Các nền tảng văn hóa đó sẽ phải được áp dụng vào các thực tế công việc hàng ngày, từ việc tìm kiếm người phù hợp văn hóa, đánh giá dựa trên VHDN hay khen thưởng cho những cá nhân có đóng góp tích cực. Đặc biệt việc đo lường văn hóa định kỳ, lắng nghe nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp có những điều chỉnh kịp thời, ngăn chặn tiêu cực trong tổ chức.”