Đó là đánh giá của nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự -Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam chia sẻ với Kinh tế & Đô thị về việc tận dụng cơ hội và kinh nghiệm đương đầu với thách thức khi hội nhập. Với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán WTO, theo ông DN Việt Nam đã tận dụng được cơ hội sau gần 10 năm khi gia nhập tổ chức này hay chưa? - Tôi nghĩ DN Việt Nam đã tận dụng được cơ hội. Sau gần 10 năm gia nhập WTO, diện mạo của đất nước đã có nhiều thay đổi: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao chưa từng có; các ngành nghề kinh tế được mở rộng và phát triển, đời sống Nhân dân ngày một nâng lên; uy tín của Việt Nam ngày càng gia tăng trong khu vực và trên thế giới. Trong 2/3 thời gian đàm phán, chúng ta đã phải trả lời hơn 3.000 câu hỏi về vấn đề công khai minh bạch các cơ chế chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư… Giờ đây, không chỉ DN mới phải công khai minh bạch mà cả các tổ chức xã hội, thậm chí Chính phủ cũng công khai minh bạch… và đến cả ngân sách trong Quốc hội cũng phải công khai minh bạch. Việc công khai minh bạch chính sách đã tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho DN Việt Nam và nước ngoài đầu tư sản xuất điều đó được chứng minh qua việc thu hút nguồn vốn FDI. Nếu như trước khi gia nhập WTO Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 40 tỷ USD vốn FDI. Nhưng đến hết năm 2015, tổng vốn đầu tư FDI đã lên đến gần 300 tỷ USD và được giải ngân lên đến gần 200 tỷ USD. Điều đó cho thấy, các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ... nhất là các tập đoàn lớn đều hướng đến Việt Nam, nhờ đầu tư nước ngoài mà chúng ta được tiếp thu công nghệ, kỹ năng quản lý và mở rộng hàng hóa dịch vụ cho Việt Nam. Có thể khẳng định một trong những cái được lớn nhất là Việt Nam đã thay đổi hệ thống pháp luật đồng bộ và phù hợp với chuẩn mực quốc tế hơn. DN cũng có sự thay đổi rất nhanh, DN đã xem sự liên kết như là một điều kiện sống còn hình thành nhiều tập đoàn, các công ty lớn... Nhất là các công ty tư nhân đã có sự liên kết mạnh để đa dạng lĩnh vực kinh doanh, từ đó hoạt động xuất khẩu tăng mạnh. Chẳng hạn năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 162,11 tỷ USD. Trong 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mặc dù gặp nhiều khó khăn cũng đã đạt 96,99 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. Đó là những thành công bước đầu, nhưng ông có thể nêu rõ những điểm yếu mà DN Việt Nam cần khắc phục trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế? - Hạn chế đầu tiên là vấn đề nhận thức. Mặc dù ngay sau khi gia nhập WTO Nhà nước đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những nội dung về WTO và những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn có 2 luồng nhận thức về hiệp định, hoặc quá lạc quan hoặc chưa nhận biết được WTO đã mang lại được lợi ích gì để từ đó vận dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đó cho thấy nhận thức của nhiều DN, hiệp hội chưa có sự chuyển biến như mong muốn. Mặc dù Việt Nam thu hút được khá nhiều vốn FDI nhưng vấn đề tổ chức triển khai còn chưa được như mong muốn. Các DN Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các dự án FDI, nếu không việc thu hút vốn FDI sẽ giảm trong những năm tới. Đặc biệt, việc đổi mới trong DN Nhà nước triển khai chậm. Bây giờ chúng ta mới đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa chứ ngay sau khi gia nhập đã chững lại, dù trước đó cũng làm rất mạnh. Bên cạnh đó là kinh nghiệm quản lý vĩ mô trong lĩnh vực tài chính, bất động sản chưa có nhiều. Bởi vậy, rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Nợ xấu tăng quá nhanh, BĐS đầu tư quá mức, quá nhu cầu. Hậu quả là bong bóng BĐS đã làm nền kinh tế có thể mất một thời gian nữa mới thoát ra được. Lực lượng lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế, nhất là về trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp kém, năng suất thấp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Việt Nam thu hút được một lượng lớn vốn FDI là do đưa ra nhiều ưu đãi, điều này gây ra sự bất bình đẳng giữa DN nước ngoài với DN trong nước. Ông có ý kiến gì về vấn đề này? - Đúng là khi mới hội nhập kinh tế quốc tế, để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, trong đó đưa ra nhiều điều khoản ưu đãi cho DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm gia nhập WTO, các DN Việt Nam đã lớn mạnh, nhưng những ưu đãi vẫn được giữ nguyên. Điều này gây bất bình đẳng giữa DN Việt Nam với DN FDI. Đã đến lúc chúng ta phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế theo hướng DN FDI và DN Việt Nam được hưởng mức ưu đãi giống nhau, qua đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng, đồng thời tạo cơ hội cho DN trong nước phát triển. Nhiều DN than phiền trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mặc dù muốn đầu tư mở rộng sản xuất nhưng cơ sở hạ tầng quá yếu kém, ông nhìn nhận về ý kiến này như thế nào? - Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông hiện đang được đầu tư rất mạnh. Cái yếu là kết nối lại với nhau. Bên cạnh đó vẫn còn ít dự án đầu tư vào lĩnh vực có khả năng cạnh tranh, ví như đường sắt. Vận chuyển đường sắt giá thành rẻ nhưng chỉ được nâng cấp, cải tạo nhỏ, vận tải đường sông là ưu thế nhưng không quan tâm nhiều. Vấn đề kết nối đường bộ với đường sắt, cảng biển kém. Bên cạnh đó, hiện vẫn đang còn nhiều tranh luận về việc Sân bay Long Thành có thành trung tâm trung chuyển hay không. Nhưng làm sao vượt được Thái Lan, Singapore là cả một bài toán. Bởi hiện những nước này đã đầu tư xong, sắp hoàn vốn nên họ sẵn sàng hạ giá thì ta phải tính. Cuộc chơi bây giờ đừng nghĩ chỉ là Việt Nam nữa mà phải toàn cầu. Hiệp định TPP đang dần đi đến hồi kết, ông thấy triển vọng mà Việt Nam có được sau khi ký kết hiệp định này thế nào? - Việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP sẽ tạo nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, nhưng việc phải biến nó thành hiện thực mới là điều quan trọng. Nếu không vẫn chỉ là cơ hội dù có mở cửa thị trường. Xã hội bây giờ vay vốn dễ hơn, công nghệ cao hơn, thị trường bây giờ thông thoáng… Tất cả cơ hội nằm trong tay, nhưng quan trọng là có hành động hay không mà thôi. Muốn làm được như vậy, DN phải có thói quen tìm thông tin về hội nhập nghĩ đến cuộc chơi toàn cầu thì mới nắm bắt được cơ hội để hành động, để có được thành công trong buổi hội nhập này. Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất cao, trong khi hàng rào thuế quan, phi thuế quan sẽ không còn là “cứu cánh”. Vậy DN Việt Nam cần làm gì để vượt qua thách thức, tận dụng hiệu quả nhất TPP, thưa ông? - Khi trở thành thành viên của tổ chức WTO cũng như khi thực hiện một loạt các cam kết trong khuôn khổ các hiệp định FTA khác, DN Việt Nam đã từng bước chuẩn bị về mặt tâm lý, điều kiện để có thể khai thác được các lợi thế do WTO và các FTA mang lại. Tuy nhiên, sau khi Hiệp định TPP được ký kết, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước đòi hỏi chính bản thân DN phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh dài hạn khi hội nhập kinh tế quốc tế. Có như vậy là bởi DN FDI được “tự do” đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Mặc dù các nước tham gia hiệp định TPP sẽ phải giảm thuế nhập khẩu nhưng để bảo hộ sản xuất trong nước họ sẽ dựng lên các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, muốn phát triển DN phải nghiên cứu, khảo sát thị trường từng nước, qua đó thay đổi cách thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sao cho phù hợp. Chẳng hạn, thời gian qua Tập đoàn tôn Hoa Sen không chỉ mở rộng dây chuyển sản xuất tôn lợp mà còn đầu tư vào cán thép, đây là chiến lược đúng đắn. Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ngay từ bây giờ phải có các biện pháp, kế hoạch để phát huy thế mạnh, tập trung vào các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế hơn. Sau khi thời gian bảo hộ hết, DN có thể đứng vững được và cạnh tranh hiệu quả với các sản phẩm của các nước TPP. Xin cảm ơn ông!