Sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc: Cần những vị tư lệnh hành động để chiến lược đi vào cuộc sống

Minh An - Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra hôm 24/11 đã đưa ra nhiều phương án nhằm “chấn hứng văn hoá”. Với trách nhiệm của mình, các nghệ nghệ sĩ, đại diện cơ quan quản lý văn hoá đã đưa ra những đánh giá, nhận xét về Chiến lược quản lý văn hoá đến năm 2030.

Trăn trở của nghệ sĩ

Trải qua hàng thập kỷ, ngành văn hoá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể nhưng chưa tương xứng. Vấn đề này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật những mặt được và chưa được của việc phát triển văn hóa.
 Liên hoan múa rồng Hà Nội năm 2020. Ảnh: Lại Tấn.

Chia sẻ bên thềm Hội nghị, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên cho rằng: “Thông điệp của Hội nghị rất rõ ràng, đặc biệt là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nếu được tuyên truyền, lan tỏa tốt sẽ tạo một cú hích rất lớn cho công tác văn hóa. Điều quan trọng là nhận thức của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương là người triển khai các quyết sách, chế độ chính sách tạo điều kiện cho văn hóa nghệ thuật phát triển”.

Ở góc độ là người thực hành nghệ thuật, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: Người đứng đầu Đảng ta đã phá bỏ mọi khuôn khổ của một bài phát biểu thông thường để đưa ra những lời tâm sự, lời hiệu triệu, với mong muốn văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

“Tổng Bí thư đã chỉ ra những điều tưởng như chúng ta đều biết đến, nhưng nếu chúng ta không hành động thì những hiểu biết của chúng ta dường như vô nghĩa. Những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung đều phải luôn luôn tu dưỡng, hoàn thiện chính mình để có nhận thức đúng đắn, từ đó đưa vào tác phẩm của mình để truyền đạt những nội dung, đưa ra những tư tưởng, định hướng những giá trị thẩm mỹ cho người xem, đọc, nghe” – NSƯT Xuân Bắc cho biết.

Sau Hội nghị, NSND Thanh Hoa chia sẻ: “Tôi cũng tràn trề hy vọng và tin tưởng rằng sẽ có một sự đổi mới về văn hóa trong thời kỳ tới, khi tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều dồn hết tâm huyết và tình cảm cho công cuộc đổi mới văn hóa. Tôi hy vọng bước ngoặt lịch sử về văn hoá sẽ sang trang, vì văn hoá là nhân cách, là ứng xử, là tôn ti trật tự, là tri thức của con người”.

Đồng thời, NSND Thanh Hoa cũng bày tỏ mong muốn: “Kỳ vọng của tôi là Thủ đô và TP lớn sẽ có nền văn minh đô thị - văn hoá nghệ thuật Việt Nam không lai tạp. Truyền thông Việt Nam không phủ sóng phim, ca nhạc tới 80% là của nước ngoài như hiện nay. Các cháu thiếu nhi không bị đánh cắp tuổi thơ ép thành người lớn trong nghệ thuật và còn nhiều chi tiết văn hoá cần được quan tâm”.

11 Giải pháp Chiến lược văn hoá đi vào cuộc sống

Ngày 24/11, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc – Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra 11 giải pháp trong Chiến lược về phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030. Đánh giá về tính thực tiễn và những điều kiện để cần thiết để triển khai giải pháp, trao đổi với phóng viên KTĐT, TSKH Phan Đình Tân - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư cho biết: “Những giải pháp được Bộ VHTT&DL đưa ra trong Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 có thực tiễn, khả thi hay không phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của con người, đặc biệt là những người quản lý trong lĩnh vực văn hoá. Người tư lệnh ngành – Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phải xây dựng được kế hoạch, chương trình cụ thể. Hiện nay, chúng ta đã có kế hoạch hành động thì bước tiếp theo là cần các đề án để thực hiện”.
 Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú.

Trong quá trình triển khai các đề án, TSKH Phan Đình Tân chia sẻ: Ngành văn hoá cần rút kinh nghiệm như trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Theo đó, khi triển khai Nghị quyết, có một số đề án không có kinh phí, nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, tỉnh thành không đầy đủ nên không triển khai thực hiện được. Rút kinh nghiệm từ bài học đó cho thấy, nếu không quan tâm một cách cụ thể, thiết thực, chi tiết thì những bất cập sẽ lặp đi lặp lại. Có lẽ đến Hội nghị lần sau, chúng ta lại tiếp tục rút kinh nghiệm của kinh nghiệm cần rút nữa, điều này rất đáng buồn”.

Bên cạnh đó, chia sẻ về những điều kiện cần thiết để triển khai những giải pháp trong Chiến lược văn hoá đến năm 2030, TSKH Phan Đình Tân - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ cho hay: Điều kiện để thực hiện được các giải pháp là cần sự nhập cuộc thiết thực, cụ thể của các cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành có liên quan trực tiếp. Ví dụ, khi Bộ VHTT&DL có Đề án cụ thể thì Bộ Tài chính cần cân nhắc, Đề án nào thiết thực cần cấp kinh phí nhanh. Đồng thời, các tỉnh, TP khi được phân công công việc cần việc gì thì phải triển khai làm, nếu không làm được thì cần giải thích báo cáo, không thể không làm rồi sau đó “hoà cả làng”.

Mặt khác, theo TSKH Phan Đình Tân: “Đề án ngoài sự thiết thực, cụ thể, chúng ta cần có phương pháp xử lý công minh. Ai làm đúng, làm tốt thì cần được động viên, khen thưởng. Đồng thời, ai làm không được, không có nguyên nhân khách quan nào, mà do yếu tố chủ quan là chính thì cần xử phạt. Những con người nào không làm được nên được đưa ra, không nên biến ngành văn hoá trở thành nơi để lưu trú cho những người không làm được nơi khác lại đưa về ngành văn hoá, biến văn hoá như chỉ có “cờ - kèn – đèn trống” là không ổn”.

Đồng thời, TSKH Phan Đình Tân cũng nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực văn hoá xã hội, nếu người làm quản lý không sâu sắc, không cụ thể, không có tính logic, khoa học thì sẽ lan man và không bao giờ đi đến đích. Ngành văn hoá cần có hành động cụ thể, thiết thực hơn. Người cầm cân nảy mực, đôn đốc chuyện này là phải sâu sát. Đồng thời, bộ máy tham mưu cần vào cuộc quyết liệt hơn”.