Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau khi mắc Covid-19 bao lâu mới nên tiêm phòng vaccine?

Hà Tường (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêm vaccine phòng Covid-19 hay mắc bệnh đều khiến cơ thể tự sản sinh ra kháng thể chống lại bệnh. Điều này đặt ra câu hỏi trong suy nghĩ của nhiều người, liệu kháng thể này tồn tại trong bao lâu và có cần phải tiếp tục tiêm các mũi vaccine sau khi đã nhiễm bệnh?

Dưới đây là những thắc mắc và câu trả lời của các chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ.

Sau khi mắc Covid-19 bao lâu mới nên tiêm phòng vaccine? - Ảnh 1

Câu hỏi: Tôi đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19, nếu tôi đã mắc Covid-19, thì có cần tiêm vaccine tiếp hay không?

Trả lời: Sau khi nhiễm Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh phản ứng miễn dịch để chống lại chính tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, khả năng sản sinh miễn dịch lại khác nhau ở mỗi người, và nó phụ thuộc vào tình trạng nhiễm bệnh của từng cá nhân là nhẹ hay nặng. Hiện tại, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu một người mắc Covid-19 nhưng chỉ gặp phải tình trạng nhiễm trùng mức độ rất nhẹ hoặc không có triệu chứng, thì nhiều khả năng người đó chỉ có thể hình thành một mức độ kháng thể rất thấp. Đây chính là lý do tại sao việc tiêm vaccine vẫn được khuyến cáo – ngay cả khi bản thân đã bị nhiễm Covid-19. Các chuyên gia khuyên rằng nên tiếp tục và tiêm vaccine dù bạn đã từng mắc Covid-19, vì vaccine lúc này đóng vai trò như một chất hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch.

Câu hỏi: Tôi có nên chờ một khoảng thời gian sau khi hồi phục Covid-19 rồi mới tiêm vaccine hay không?

Trả lời: Về nguyên tắc, có thể tiêm vaccine ngay sau khi khỏi Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng nên nghỉ ngơi một thời gian – khoảng một vài tuần – để cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh trước khi đi tiêm phòng.

Việc tiêm sau khi đã mắc Covid-19 cũng sẽ có sự khác biệt giữa các quốc gia. Một số quốc gia khuyến cáo nên dành một khoảng thời gian khoảng 3 tháng hoặc 6 tháng sau khi nhiễm bệnh – dựa trên cơ sở kháng thể tự nhiên có thể kéo dài tối đa 6 tháng sau khi mắc bệnh. Một yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình này là nguồn cung cấp vaccine ở các quốc gia là khác nhau, và có những quốc gia vẫn còn đang gặp tình trạng thiếu hụt vaccine nên thời gian tiêm có thể kéo dài hơn. Nhưng theo quan điểm khoa học và sinh học, chúng ta hoàn toàn có thể tiêm vaccine phòng ngừa ngay sau khi đã hoàn toàn bình phục.

Cho đến hiện tại, chúng ta chưa biết chắc chắn và chính xác khả năng các kháng thể trung hòa giúp bảo vệ chống lại nhiễm bệnh sẽ kéo dài trong khoảng thời gian bao lâu và hiệu quả của chúng duy trì như thế nào. Do đó, các chuyên gia không khuyến nghị làm xét nghiệm kháng thể cá nhân để xác định khả năng miễn dịch.

Câu hỏi: Có sự khác biệt giữa khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh và miễn dịch sau khi tiêm vaccine hay không?

Trả lời: Miễn dịch tự nhiên – hay miễn dịch được phát triển sau khi nhiễm bệnh một cách tự nhiên – là khác nhau ở mỗi người và rất khó dự đoán khả năng hiệu quả của nó. Ngược lại, vaccine là sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa về liều lượng kháng nguyên sử dụng, và điều này dựa trên nhiều thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu khoa học. Do vậy, nếu một người được tiêm vaccine, chúng ta có thể khá tự tin và dự đoán được khả năng miễn dịch cũng như loại phản ứng miễn dịch mà người đó đang có trong cơ thể - tất nhiên là ở phần lớn chứ không phải hoàn toàn những người được tiêm chủng. Đây chính là sự khác biệt chính giữa miễn dịch tự nhiên và miễn dịch bởi vaccine.

Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã và đang quan tâm đến một vấn đề rất thú vị, đó là xem xét phản ứng miễn dịch khi một người được tiêm một liều vaccine sau khi bị nhiễm bệnh tự nhiên và một người được tiêm hai loại vaccine khác nhau (tiêm trộn hay tiêm kết hợp). Những kết quả hiện tại mang đến những dấu hiệu tích cực, và các nhà khoa học tin rằng có lẽ phương pháp “lai” này thực sự mang lại phản ứng miễn dịch mạnh hơn nhiều so với khả năng miễn dịch tự nhiên hoặc khả năng miễn dịch nếu chỉ tiêm cùng một loại vaccine. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn cần thêm những nghiên cứu sâu hơn và cụ thể hơn nữa.

Hiện tại, tất cả các loại vaccine đang được cấp phép sử dụng bởi WHO đều có khả năng ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng và nhập viện do tất cả các biến thể hiện có của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, giữ vệ sinh tay và tránh những nơi đông đúc và khép kín, cũng như các biện pháp xã hội và các biện pháp sức khỏe cộng đồng khác áp dụng tại các từng địa phương vẫn là rất cần thiết – vì vẫn còn rất nhiều người chưa được tiêm đầy đủ trên toàn cầu.